Nghệ nhân trẻ góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống

Thứ sáu, 21/09/2018 19:10
(ĐCSVN) - Người dân xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ ai cũng biết đến nghệ nhân trẻ tuổi Bùi Viết Tưởng, người đã có nhiều đóng góp vào việc giữ gìn nghề sản xuất đầu lân, rồng và phát triển nghệ thuật múa lân…

“Từ võ mới đến lân”

 

Cứ vào dịp Tết Trung thu, múa lân luôn là tiết mục nhận được sự thu hút và mong chờ của mọi người, nhất là các em nhỏ.  Vòng quanh con ngõ nhỏ, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân trẻ tuổi Bùi Viết Tưởng tại xóm Dinh, thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ. Đây là một trong số ít cơ sở còn duy trì sản xuất đầu lân, đầu rồng tại Hà Nội. Ngôi nhà nhỏ của anh Bùi Viết Tưởng cũng là nơi thầy trò đoàn lân - sư - rồng Tưởng Nghĩa Đường thỏa sức sáng tạo; nơi ra đời của những chiếc đầu lân, đầu rồng với nhiều sắc màu, kích cỡ.

 

Trên thực tế, việc sản xuất mặt hàng này không đem lại thu nhập cao, nhưng bằng niềm đam mê, yêu thích với nghề và quyết tâm lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, nghệ nhân Bùi Viết Tưởng đã luôn cố gắng theo đuổi nghề sản xuất đầu lân, rồng. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề đặc biệt này, anh Tưởng vui vẻ cho biết: “Từ võ mới đến lân”. Quả thực là vậy.

 

Được biết, từ nhỏ Bùi Viết Tưởng đã sớm có niềm đam mê với võ thuật, quyết tâm theo học và trở thành một võ sinh xuất sắc. Với ý niệm muốn truyền đạt lại những gì mình được học, anh trở thành người thầy giảng dạy võ thuật cho các môn sinh. Niềm đam mê võ thuật cùng với sở thích xem múa lân từ nhỏ đã hướng anh đến với nghệ thuật múa lân - sư - rồng và sản xuất đầu lân, rồng để cung cấp cho thị trường. Đã hơn 10 năm nay, bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề, anh đã cho ra thị trường những đầu lân, rồng với số lượng khá lớn, kiểu loại phong phú.

 

Anh Bùi Viết Tưởng say sưa với việc trang trí đầu lân. (Ảnh: NM)

 

Tìm hiểu được biết, cơ sở sản xuất của gia đình anh Tưởng hoạt động quanh năm nhưng tất bật và bận nhất là vào dịp trước Tết Trung thu hàng năm. Với anh Tưởng và những người thợ ở đây, mỗi chiếc đầu lân, đầu rồng “ra lò” được xem là cả một tác phẩm nghệ thuật. Bởi mỗi sản phẩm đó là kết tinh tình yêu văn hóa truyền thống cùng sự tài hoa của những người thợ. Theo nghệ nhân Bùi Viết Tưởng, để sản xuất ra một đầu lân hay đầu rồng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ làm khung - công đoạn khó nhất, đến cắt, may, làm phụ kiện trạng trí… tất cả đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Có lẽ, công đoạn phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mẩn cao nhất đó là làm thế nào để cho mắt và tai của chú lân, chú rồng hoạt động ăn khớp với nhau. Toàn bộ các công đoạn đều được làm thủ công bằng đôi bàn tay khéo léo, kiên trì và bộ óc sáng tạo của những người thợ trẻ tuổi. Chính từ sự tâm huyết với nghề, mỗi đầu lân - sư - rồng là một sản phẩm mang tính thẩm mĩ; đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng ở thị trường trong nước và nước ngoài.

 

Quyết tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống

 

Thực tế, người thợ làm đầu lân, rồng khá vất vả nhưng thu nhập lại không cao. Tùy vào từng kích cỡ, chất lượng, mẫu mã, số lượng của từng đơn đặt hàng mà quy định ra giá. Với thợ lành nghề phải mất 5 – 6 ngày mới hoàn thiện được một chiếc nhưng giá xuất bán cũng chỉ khoảng từ 2 - 3 triệu đồng/chiếc. Nhưng với tình yêu nghề, yêu nghệ thuật múa lân - sư - rồng, anh Tưởng luôn động viên mọi người gắn bó với nghề. Những năm gần đây, thị hiếu người tiêu dùng dần quay về với các món đồ chơi truyền thống nên đầu ra của sản phẩm đầu lân, rồng đã được mở rộng hơn trước. Em Nguyễn Văn Đức, một môn sinh của anh Tưởng chia sẻ: “Vì đam mê sáng tạo nghệ thuật và thích thú với việc chế tác nên em đã theo học thầy Tưởng sản xuất đầu lân - sư - rồng. Càng học, em càng thấy yêu và gắn bó với nghề này hơn”.

 

Các học trò của thầy Tưởng miệt mài hoàn thiện bộ khung cho đầu lân. (Ảnh: NM)

 

Điểm đặc biệt ở nghệ nhân trẻ tuổi Bùi Viết Tưởng đó là không chỉ chế tác, sản xuất đầu lân, rồng, anh còn bén duyên với nghệ thuật múa lân. Hàng năm, tuy bận việc sản xuất nhưng anh vẫn cùng với các môn sinh của mình tham gia biểu diễn trong các ngày lễ, ngày hội lớn tại nhiều địa phương. Anh Tưởng chia sẻ, múa lân là nghệ thuật kết hợp sự mạnh mẽ, dứt khoát của bộ môn võ thuật cổ truyền cùng với sự khéo léo uyển chuyển khi điều khiển lân tạo nên những màn trình diễn độc đáo, đặc sắc. Đoàn lân - sư - rồng Tưởng Nghĩa Đường của anh Tưởng đã gây được tiếng vang tại nhiều lần biểu diễn trong và ngoài nước. Và trong những lần biểu diễn đó, kỹ thuật tinh xảo, bàn tay khéo léo, không ngừng đổi mới sáng tạo của anh Bùi Viết Tưởng và các bạn trẻ đã tạo ấn tượng mạnh cho du khách. Đây cũng là “nhân duyên” để anh mở rộng thị trường cho sản phẩm đầu lân, rồng. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh đã cung cấp đầu lân, rồng cho hầu khắp thị trường trong nước và nhiều thị trường nước ngoài như Ba Lan, Malaysia, Úc…

 

Điều mà thầy trò nghệ nhân trẻ tuổi Bùi Viết Tưởng ấp ủ nhất hiện nay, đó là sẽ gìn giữ và phát triển hơn nữa nghề sản xuất đầu lân, rồng cũng như nghệ thuật múa lân. Qua đó, góp phần gìn giữ và làm sống dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống./.

Bài, ảnh: Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực