Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ sáu, 15/03/2019 23:23
(ĐCSVN) - Ngày 15/3, Tọa đàm với chủ đề "Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí cách mạng Việt Nam" được tổ chức trong ngày khai mạc Hội Báo Toàn quốc 2019 với sự góp mặt của các nhà báo lão thành, những người công với ngành báo chí nước nhà.

Đây cũng là tọa đàm tiếp nối các cuộc tọa đàm về các nhà báo nguyên lãnh đạo cấp cao của Hội như: Nhà báo Trần Lâm, Đào Tùng, Hoàng Tùng, Hồng Chương, Lưu Quý Kỳ, Trần Công Mân… do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, Tọa đàm là cơ hội để các nhân chứng, các nhà khoa học, các đồng nghiệp gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam; là một trong những hoạt động tri ân và học tập các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Đây cũng là những bước đi để góp phần thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, chuẩn bị tư liệu, tài liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Tọa đàm cũng là dịp để những đồng nghiệp tưởng nhớ, thể hiện tình cảm với nhà báo Huỳnh Văn Tiểng.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: VH

Tại buổi Tọa đàm, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, ngay từ bé, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã có những bài báo đấu tranh chống áp bức, cường quyền, bọn thực dân xâm lược. Có lẽ vì vậy mà sau khi thực dân Pháp trở lại gây hấn với Việt Nam, ông được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, phụ trách công tác tuyên truyền. Trong sự nghiệp báo chí, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng cũng có những đóng góp lớn lao, đặc biệt trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Ông được đích thân đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện của Chính phủ Cụ Hồ tại miền Nam ký quyết định điều về làm Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nam Bộ, đóng ở Quảng Ngãi. Ông trực tiếp viết bình luận cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Tháng 2/1948, ông lại được điều về Nam Bộ làm Phó Giám đốc Sở Thông tin và Tuyên truyền Nam Bộ, được giao quản lý phát thanh.

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng có 20 năm công tác, gắn bó sâu sắc với Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1955-1975. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được phân công làm Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo và duyệt bài các chương trình phát thanh vào Nam. Cán bộ Ban Biên tập miền Nam thường gọi ông là anh Tư Tiểng. Hai thập niên làm việc tại Đài Phát thanh Quốc gia, Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã lăn lộn cùng tập thể lãnh đạo Đài thực hiện nhiều công việc quan trọng, xây dựng và phát triển Đài trên các mặt; xây dựng nhiều phương án bảo đảm làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam được phát liên tục không bị ngừng nghỉ khi Mỹ ném bom, hủy diệt nhiều nơi ở miền Bắc…

Theo TS. Nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng thực sự là một tấm gương trong để học tập trên rất nhiều phương diện, đối với các nhà báo Việt Nam hôm nay.

Nhà báo Mai Thúc Long, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã kể lại chuyện nhà báo Huỳnh Văn Tiểng sửa bài thật sâu sắc. “Anh chỉ sửa thêm mấy chữ thôi mà sau đọc lại, tôi thấy lời viết như có thêm sức nặng. Anh ít nói, sâu sắc mà rất thân tình, không lý luận, không giảng giải, chỉ những ý rất mộc mạc, đời thường. Tôi ngồi nghe cảm thấy gần gũi và ấm áp. Chả trách là ở Đài ngày ấy, nhiều người gọi anh Tiểng là “Bon papa” (Người cha hiền)" – nhà báo Mai Thúc Long chia sẻ.

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng (1920-2009) nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Nam bộ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong hơn 20 năm. Ông là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung cũng như Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng. Với những nỗ lực của mình, ông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương vì sự phát triển báo chí, phát thanh, truyền hình Việt Nam./.

VH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực