Nhận diện đúng giá trị của lễ hội

Thứ sáu, 18/01/2019 19:34
(ĐCSVN) - Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, năm 2019, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, nhận diện đúng giá trị của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa...
Hội nghị Tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 (Ảnh: K.T)

 

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2018, công tác quản lý nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội được tăng cường từ Trung ương cho tới địa phương. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ Trung ương tới địa phương chủ động tham mưu, ban hành văn bản về quản lý và tổ chức lễ hội đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước trên địa bàn cả nước. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều được các địa phương kịp thời triển khai thực hiện. Những tồn tại, hạn chế mùa lễ hội trước đã cơ bản được khắc phục.

Hoạt động lễ hội năm 2018 diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Từ lễ hội có quy mô lớn đến các lễ hội có quy mô nhỏ trong phạm vi làng, bản, dòng họ, gia đình; phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính, phần hội phong phú hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; chú trọng các hoạt động văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc để quảng bá, giới thiệu, hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh, giải trí của nhân dân, răn dạy đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tạo sự gắn kết trong cộng đồng.

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; Lễ hội Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre.  

Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong các lễ hội cũng có những bước tiến vượt bậc. Năm 2018, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền các địa phương đã quan tâm tới công tác cơ sở hạ tầng, mở rộng khu vực đón tiếp, nơi trông giữ phương tiện giao thông, xây dựng công trình vệ sinh công cộng hợp chuẩn; bố trí lực lượng thu gom rác thải; công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận ý kiến của nhân dân; vận động nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, thắp hương, đặt lễ đúng nơi quy định. Đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn sự trang nghiêm của di tích, lễ hội.

Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa được bố trí khoa học, hợp lý, xa khu vực di tích; trước mùa lễ hội, các địa phương đều tổ chức quán triệt, yêu cầu các điểm kinh doanh ăn uống phải ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, không tăng giá, ép giá du khách, không bày bán thịt động vật hoang dã. Không để các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, “chặt chém” trông giữ xe diễn ra tại di tích và lễ hội.

Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu di tích và lễ hội được đảm bảo. Các ban quản lý di tích xây dựng kế hoạch, đầu tư lắp đặt camera theo dõi, giá cả hàng hóa dịch vụ được các cơ sở kinh doanh niêm yết, bán đúng giá theo quy định. Công tác bảo vệ môi trường tại các di tích được chú trọng, thu gom, vận chuyển hoặc xử lý rác thải kịp thời. Các nhà vệ sinh công cộng lưu động được bố trí hợp lý.

Năm 2018, ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến thu, chi trong tổ chức hoạt động lễ hội công khai, minh bạch; bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích theo quy định, đồng thời bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội: Lễ hội Làm chay tại đình Tân Xuân, Linh Phước tự, chùa Ông và chợ Tầm Vu (Châu Thành, Long An), Lễ hội Đúc Bụt tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), Hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông), xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội); Hội Phết Hiền Quan xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ)... Đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích. Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính... Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Sóc, Chùa Hương (thành phố Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) ...

Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa được xử lý kịp thời...

Để hạn chế những tiêu cực này, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, năm 2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, nhận diện đúng giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Quản lý chặt chẽ việc thông báo và đăng ký tổ chức lễ hội trên địa bàn. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Có hình thức khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác tổ chức lễ hội.../.

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực