Những bài học từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam

Thứ năm, 11/07/2019 16:15
(ĐCSVN) – Cuốn sách “Người dân làm nên hòa bình: Những bài học từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam” đưa ra những suy ngẫm và phân tích của 9 nhà hoạt động chính trị đã đến Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Hội Việt – Mỹ đã chủ trì và tổ chức lễ ra mắt hợp tuyển “Người dân làm nên hòa bình: Những bài học từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam” với chủ biên là hai đồng tác giả - bà Karin Aguilar-San Juan và ông Frank Joyce, tác phẩm được Nhà Xuất bản Thế giới dịch sang tiếng Việt.

Lễ ra mắt cuốn sách là sự kiện để tác giả và các nhà hoạt động hòa bình Mỹ - là những người có nhiều đóng góp trong phong trào phản chiến tại Việt Nam chia sẻ nhiều kỷ niệm, cảm xúc và trải nghiệm thực tế.

Ra mắt sách "Người dân làm nên hòa bình" (Ảnh: Khắc Kiên)

Cuốn sách đã đưa ra suy ngẫm và phân tích của 9 nhà hoạt động chính trị đã đến Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Cho dù chuyến đi của mỗi người khác nhau trong từng chi tiết, hoàn cảnh và ảnh hưởng lâu dài, nhưng tất cả đều có chung mức độ cao trong nhận thức đạo đức và lòng dũng cảm về chính trị. Trong thời gian chiến tranh, họ tới Việt Nam để tìm hiểu về con người Việt Nam và tận mắt quan sát những tác động khủng khiếp của cuộc chiến. Giờ đây, khi nhìn lại, bản thân mỗi người trong họ đều coi cuộc gặp gỡ với đất nước và con người Việt Nam, dù bị chiến tranh tàn phá nhưng vẫn quyết tâm tạo dựng tương lai cho chính mình, như một thời khắc quan trọng và chứa đựng nhiều thông tin trong cuộc đời mình.

Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách này, ông Bùi Thế Giang, nguyên Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Hội Việt – Mỹ cho biết: Đọc cuốn sách này tôi thấy hiểu hơn đối với cả triệu triệu người Mỹ đã từng phản đối chiến tranh Việt Nam cho dù cuốn sách dày 300 trang vẫn là quá ít để chúng ta hiểu được đúng, hiểu được đủ về cả một quãng thời gian lịch sử này.

Bìa cuốn sách (Ảnh: Khắc Kiên)

Nhận xét về cuốn sách, bà Medea Benjamin, đồng sáng lập nhóm hòa bình Code Pink và tổ chức nhân quyền Global Exchange, khẳng định: Cuốn sách này là một nghiên cứu sâu sắc về phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam, với những câu chuyện hấp dẫn của 9 nhà hoạt động xã hội – những người đã đến Việt Nam trong thời gian chiến tranh để thiết lập mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Theo ông David Cortright, Giám đốc Nghiên cứu chính sách tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Kroc thuộc Đại học Notre Dame, cuốn sách này là một sưu tập giúp tìm hiểu lại từ đầu mối quan hệ quá khứ và hiện tại của Mỹ với Việt Nam, gợi nhắc cho chúng ta về sức mạnh và ảnh hưởng của phong trào phản chiến qua tiếng nói của những người ủng hộ hòa bình của thời đại đó – những người gần đây đã trở lại Việt Nam.

 Bà Karin Aguilar-San Juan là người Mỹ gốc Philippines thế hệ thứ hai và là nhà văn, nhà hoạt động xã hội thế hệ thứ hai. Bà nhận bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ Xã hội học tại Brown University, bằng cử nhân kinh tế tại Swarthmore College.

Cuốn sách Little Saigon: Staying Vietnamese in America (2009) của bà xem xét mối quan hệ giữa cộng đồng và địa vị đối với người Mỹ gốc Việt ở Boston, Massachusetts và Orange County, California.

Các nghiên cứu của bà về phong trào phản chiến tại Mỹ và sự hợp tác giữa phong trào hòa bình, đoàn kết hai nước trong thời gian chiến tranh đã góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Bà tích cực vận động bạn bè Mỹ ủng hộ Việt Nam, đấu tranh đòi Mỹ có trách nhiệm giải quyết hậu quả chiến tranh, nhất là chất độc da cam/dioxin.

Tháng 11/2006, Hội Việt - Mỹ đã đón bà vào thăm Việt Nam, bà đã gặp gỡ các học giả, các nhà hoạt động xã hội, nhân đạo và cơ quan chính quyền của Việt Nam tại Hà Nội để nghiên cứu về hậu quả của chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như chất độc da cam, bom mìn, người mất tích.

Tháng 01/2013, bà đã đi cùng Frank Joyce và những nhà hoạt động hòa bình, chống chiến tranh của Mỹ đến thăm Việt Nam và dự kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris.

Từ những tư liệu đoàn thu thập được trong chuyến đi năm 2013, bà cùng các nhà hoạt động hòa bình đã viết nên hợp tuyển “Người dân làm nên hoà bình: Những bài học từ chiến tranh Việt Nam” (được dịch sang Tiếng Việt và xuất bản bởi Nhà Xuất bản Thế giới 2019), trong đó bà và ông Frank Joyce là đồng chủ biên. Vào tháng 4 năm 2016, tổ chức “Hội nghị chuyên đề chống chiến tranh Việt Nam” tại Đại học Macalester với nội dung xoay quanh cuốn sách trên.

Bà có các bài phê bình trong Tạp chí Việt Nam học, tác giả một chương trong cuốn sách Hiểu và Dạy về Chiến tranh Việt Nam và tác giả bài viết Tác động của Việt Nam lên Susan Sontag vào năm 1968.

Ông Frank Joyce đã tham gia tích cực vào Hiệp định Hòa bình Nhân dân (Hiệp định do đại diện các hội sinh viên của Mỹ và Việt Nam xây dựng vào tháng 12/1970, một phần trong nỗ lực chung nhằm kết thúc “chiến tranh Việt Nam”) và Chiến dịch Hòa bình Đông Dương (một dự án tuyên truyền trên toàn nước Mỹ kêu gọi Quốc hội cắt viện trợ tài chính và quân sự cho chính quyền Nam Việt Nam) và Ủy ban Kỷ niệm Hòa bình Việt Nam.

Tháng 3/1970, Frank Joyce tham gia đoàn bạn bè trong phong trào hòa bình Mỹ vào thăm Hà Nội và Miền Bắc để bày tỏ tình đoàn kết của nhân dân tiến bộ Mỹ với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Năm 2006, ông cùng vợ, bà Mary Anne Barnett, vào thăm Việt Nam.

Tháng 01/2013, ông cùng giáo sư Karin San-Juan tổ chức và dẫn đầu đoàn 16 thành viên là bạn bè hòa bình vào thăm tìm hiểu Việt Nam kết hợp dự một số hoạt động kỷ niệm 40 năm Ký kết Hiệp định Hòa bình Paris. Với hiểu biết sâu rộng về Việt Nam qua các thời kỳ, ông tích cực tuyên truyền với nhân dân Mỹ về hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

 

Khắc Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực