Ra mắt tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng”

Thứ sáu, 15/03/2019 19:58
(ĐCSVN) – Thông qua nhân vật Phan Hoàng trong tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng”, nhà báo Phạm Quốc Toàn đưa ra thông điệp mang tính thời sự nóng hổi, những quan niệm về nghề báo, nghề văn; từ báo in đến báo nói, báo mạng; từ đạo đức nghề nghiệp đến những hình ảnh sinh động về nghề báo...

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2019, chiều 15/3, Nhà báo Phạm Quốc Toàn đã ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng”.

Đây là một tập sách, bằng bút pháp văn học, thể hiện khá nhuần nhuyễn từ một góc nhìn về làng báo. Tác giả đã “Tiểu thuyết hóa” một nguyên mẫu - chuyện có thực mà lại không có thực ngoài đời.

Tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” gồm 9 chương sách, chương nào cũng đầy ắp chi tiết, chất liệu - chuyện đời, chuyện nghề. Nhân vật trung tâm của cuốn sách là nhà báo lão thành Phan Hoàng, người có 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi nghề, ra đi từ bến sông Nhùng vùng “Gió Lào cát trắng”, làm nên một Phan Hoàng ký giả và văn chương. Từ Phan Hoàng, người đọc cảm nhận bao sự kiện, bao con người trùng trùng, lớp lớp trong đội ngũ hùng hậu báo chí và văn chương - góp phần làm nên một thời đại, lịch sử hào hùng của dân tộc.

Tác giả và các đại biểu giao lưu tại lễ ra mắt sách. Ảnh: HL
Thông qua nhân vật Phan Hoàng trong tiểu thuyết, nhà báo Phạm Quốc Toàn còn đưa ra thông điệp mang tính thời sự nóng hổi, những quan niệm về nghề báo, nghề văn; từ báo in đến báo nói, báo mạng; từ đạo đức nghề nghiệp đến những hình ảnh sinh động về nghề báo - một nghề đang được coi là thời thượng đối với không ít người, thu hút nhiều đối tượng xã hội. Cũng qua nhân vật Phan Hoàng, nhà báo Phạm Quốc Toàn gửi đến người làm báo và thế hệ tương lai một thông điệp, rằng nghề nghiệp nào cũng cần có sự đắm say và cái tâm; nhưng dường như đó là điều kiện tiên quyết đối với nghề báo.

Nhà báo Nguyễn Uyển cho rằng, “Từ bến sông Nhùng” lôi cuốn người đọc bởi viết về người thực, việc thực bằng cảm xúc mãnh liệt; có yêu thương, kính trọng hết mình, có bức bối, giận hờn nung nấu từ con tim, từ gan ruột dồn nén thành cái hay, cái dở làm nên tính cách riêng có của từng nhân vật. Quá trình trưởng thành và phát triển của nhân vật chính được tác giả viết dưới dạng tự sự, trần thuật, hoặc qua nhân vật phụ thuật lại. Theo đó, nhờ sức khái quát tài tình của tác giả đã tạo nên một xã hội thông tin, một đời sống báo chí sống động, cởi mở với những vấn đề nảy sinh từ nghề nghiệp nghiệt ngã, từ những quy định đạo đức nghiêm cẩn.

Tiểu thuyết "Từ bến sông Nhùng". Ảnh: HL

Nhà báo Phạm Quốc Toàn có hơn 40 năm viết báo và quản lý báo chí, trong đó ông có hơn 30 năm làm Tổng biên tập 3 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Ông từng đảm trách vị trí Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong 10 năm từ 2005 – 2015. Ông cho ra đời khá nhiều đầu sách, có thể kể đến như: “Tản mạn về Đời”, “Đời và Nghề”, “Đi một ngày đàng”, “Tôi nói bằng mồm” , “Xứ sở Chùa Vàng”, “Ký giả”.../.

Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực