Tết Sử Giề Pà của người Bố Y với truyền thuyết về trâu thần

Thứ ba, 21/05/2019 11:21
(ĐCSVN) - Tết Sử Giề Pà, còn có các tên gọi khác như Tết 8/4, Lễ Tạ ơn trâu thần, được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn trong năm của người Bố Y, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, hình thành qua truyền thuyết về ngày trâu thần đã dẫn họ tìm được nguồn nước, vượt qua nạn hạn hán lịch sử.


Mâm lễ cúng chung của thôn gồm chiếc đầu trâu được nặn bằng xôi bảy màu,
trứng nhuộm phẩm đỏ, gà luộc nguyên con, rượu, chè, hương, tiền. (Ảnh: PL)

Theo truyền thuyết, thời xa xưa, Nhà Trời đưa một con trâu trắng xuống hạ giới giúp dân tìm ra nguồn nước. Sự xuất hiện của con trâu còn là dấu mốc thể hiện bước chuyển quan trọng từ phương thức sản xuất chọc lỗ, tra hạt sang sử dụng loài vật này làm sức kéo của người Bố Y.
 
Tết Sử Giề Pà độc đáo với mâm lễ vật cúng chung của làng là chiếc đầu trâu được nặn bằng xôi bảy màu, có đôi sừng dài tượng trưng cho con trâu trưởng thành khỏe mạnh, thêm trứng nhuộm phẩm đỏ, gà luộc nguyên con, rượu, chè, hương, tiền...
 
Tết chỉ diễn ra một ngày, nhưng trước đó, các gia đình đã thực hiện các bước chuẩn bị rất công phu. Người đàn ông trong nhà lựa chọn những mẻ thóc nếp ngon nhất, phơi và giã để làm nguyên liệu nấu xôi bảy màu. Phụ nữ thì đảm đương việc tìm nguyên liệu để nhuộm màu cho xôi và trứng gà. Các nguyên liệu dùng để nhuộm màu đều là các loại thảo dược được kiếm trong rừng hoặc trồng trong vườn nhà. Việc chuẩn bị trứng gà cũng được những người phụ nữ trong gia đình chăm lo chu đáo. Họ chọn những quả trứng gà ngon, gom lại để dành đến ngày mồng 8 tháng 4 làm quà cho trẻ em.
Già làng làm chủ lễ mâm cúng chung tại ngôi miếu nơi đầu nguồn nước của thôn để tạ ơn trâu thần (Ảnh: PL)

Ngày đón Tết, mỗi gia đình cử một đại diện là nam giới có sức khỏe tốt, mang cuốc, xẻng, dao lên đầu nguồn sửa sang lại nguồn nước, ống dẫn nước, phát quang đường dẫn nước về thôn. Thanh niên được huy động sửa sang lại đường vào thôn, phát quang cỏ cây ven đường cho khang trang, sạch sẽ để đón Tết. Buổi tối trước ngày Tết, phụ nữ lấy cây nhuộm màu đun lấy nước để ngâm gạo nếp. Quá trình ngâm qua một đêm làm cho gạo nếp ngấm màu, có độ dẻo, ngon và thơm lâu. Cũng vào đêm trước Tết, khách từ xa tới, già, trẻ, trai, gái trong thôn tổ chức hát giao duyên đối đáp. Nội dung những câu hát nói về sự tích, ý nghĩa của Tết 8/4 và thăm hỏi nhau về một năm lao động sản xuất, về tình yêu đôi lứa.

Vào ngày tết Sử Giề Pà, các gia đình trong làng đều dậy từ rất sớm. Phụ nữ đồ xôi và luộc trứng để nhuộm màu; đàn ông sắp xếp lại những đồ vật đã được chuẩn bị từ trước để dâng cúng.

Trước khi mang lễ lên cúng ở đầu nguồn nước, người Bố Y phải tạ con trâu trong nhà bằng cách nắm xôi cuộn vào cỏ để cho trâu ăn trước. Gia đình có bao nhiêu con trâu thì cuộn bấy nhiêu nắm xôi để tỏ lòng biết ơn con vật quý của gia đình.

Già làng làm chủ lễ mâm cúng chung tại ngôi miếu nơi đầu nguồn nước của thôn để tạ ơn trâu thần. Mâm lễ chung do mọi nhà trong thôn cùng đóng góp là một cách thể hiện tính cố kết cộng đồng và tinh thần đoàn kết của người Bố Y.

 

Tái hiện hình ảnh trâu thần trong lễ cúng. (Ảnh: PL)

Ngày Tết, thanh niên trong thôn tập trung chơi các trò chơi dân gian như đánh đu, đánh còn, đánh quay và các trò chơi đồng dao. Do người Bố Y sinh sống ở vùng miền núi, địa hình dốc cao, nên địa điểm vui chơi chủ yếu được tổ chức trong các thửa ruộng bậc thang gần nhà. Ngoài các trò chơi dân gian, còn có các hoạt động nghệ thuật dân gian khác được yêu thích như: hát đối đáp, giao duyên, hát ống… Hát ống dành cho những đôi nam, nữ lần đầu mới gặp gỡ nhưng còn e thẹn, ngại ngùng không dám cất lời hát trước mặt, mà phải mượn ống hát để thổ lộ tâm giao. Khi đôi nam nữ đã hợp lời, hợp ý thông qua ống hát thì họ mới gặp nhau.

Tết Sử Giề Pà được coi là Tết cầu tài, cầu lộc, cầu may đến với bản làng người Bố Y, để các thành viên dành sự chăm sóc đặc biệt và bày tỏ lòng cảm ơn đến con trâu của gia đình. Đây cũng là dịp để các thành viên trong cộng đồng thể hiện tinh thần đoàn kết, gặp gỡ chia sẻ buồn, vui, ước vọng. Bởi vậy, nên khách mời của các gia đình (thường là người dân tộc thiểu số khác sinh sống trong thôn, xã) đều dẫn theo con, cháu đi cùng để nhận được nhiều may mắn và tài lộc. Mỗi đứa trẻ đến nhà chơi đều được chủ nhà tặng cho một quả trứng hồng và coi đó là biểu tượng của sự may mắn./.

Tin, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực