Tham nhũng - mưu mô và trừng phạt

Thứ năm, 18/04/2019 11:36
(ĐCSVN) – Cuốn sách “Tham nhũng - mưu mô và trừng phạt” của nhà báo Hà Hồng Hà giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc chiến chống tham nhũng tại các quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam hiện nay.

Bìa cuốn sách "Tham nhũng - mưu mô và trừng phạt"

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật cho ra mắt cuốn sách với tựa đề “Tham nhũng - mưu mô và trừng phạt”. Đây là cuốn sách viết về tham nhũng với độ dày 238 trang, xuất bản tháng 8/2016, của tác giả Hà Hồng Hà.

Đọc cuốn sách, chúng ta sẽ ngạc nhiên, thú vị khi được trải nghiệm những sự kiện, nhân vật sống trong thời đại mình, những biện pháp, đối sách chống tham nhũng mà với nhiều người Việt Nam vẫn còn khá xa lạ.

Ngay từ những trang sách đầu tiên, tham nhũng được đề cập tới như một kẻ thù của nhiều chính phủ trên thế giới. Cuốn sách mô tả một cuộc chiến vừa âm thầm, vừa ác liệt, với một bên là những quan chức chính phủ mong muốn xây dựng một đất nước “sạch sẽ”, không tham nhũng, hối lộ, với bên kia là những thủ đoạn cao tay của các quan chức, công chức chính phủ, các chủ doanh nghiệp và nhà môi giới.

Tác giả cũng cho biết các quốc gia khác đã làm gì để chống tham nhũng thành công, làm thế nào họ giữ cho xã hội trong sạch. Những bài viết như "Đạo đức liêm chính ở Hàn Quốc" cho thấy, đạo đức xã hội được xây dựng và củng cố qua nhiều đời tổng thống. Ở quốc gia này, bốn đời tổng thống liên tục bị điều trần chỉ vì người nhà "dính" vào tham nhũng, hối lộ.

Cuốn sách giới thiệu về các cơ quan chống tham nhũng đầy sức mạnh, được phép hành động như những “đội quân” trừng phạt, ở Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông. Câu hỏi đặt ra là có nơi nào trên trái đất không có nạn hối lộ, tiêu cực? Thì với nỗ lực đáng khâm phục, các nước Đan Mạch, Na Uy hay New Zealand đã làm được công việc tưởng chừng như không thể. Hãy xem cách họ xử lý với vấn đề hối lộ ở trong nước và nước ngoài như thế nào?. Với những quốc gia đã cơ bản kiểm soát được tham nhũng và hối lộ, nhân phẩm con người được tôn trọng rất cao.

Cuốn sách cũng dành dung lượng khá lớn bàn luận về các hình phạt đối với tội danh tham nhũng, phân tích pháp luật về chống tham nhũng của nhiều quốc gia trong tương quan với Việt Nam. Thậm chí, có những quốc gia không ngần ngại thưởng số tiền lớn cho người có công phát hiện tham nhũng như Mỹ hay Hàn Quốc.

Người chống tham nhũng phải nuôi được bản thân và gia đình bằng thu nhập chính đáng, đòi hỏi tất yếu đó được mổ xẻ rất kỹ với nhiều số liệu minh hoạ về thu nhập của quan chức, công chức chính phủ ở các quốc gia. Có những quốc gia còn gắn thu nhập của quan chức với tăng trưởng kinh tế của đất nước, để bộ máy chính phủ làm việc trách nhiệm và phụng sự hết mình. Những kinh nghiệm quý báu về phòng ngừa tham nhũng của các nước Singapore, Đan Mạch, Na Uy, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Hồng Kông, Anh có thể hữu dụng với Việt Nam.

Cuốn sách cũng lột tẩy nhiều mưu mô, thủ đoạn tham nhũng của quan chức và công chức nhà nước, của các ngân hàng, cơ quan thuế vụ.

Theo tác giả, cuốn sách này được thực hiện trong thời gian khá dài. Những bài viết đầu tiên được công bố trên báo chí năm 2010. Một số thông tin và các số liệu thống kê có thể thay đổi so với thời điểm hiện nay (tháng 12/2016). Hơn 20 đề tài chống tham nhũng được chắt lọc từ hàng trăm nghìn trang tài liệu, nhiều kênh thông tin chính thống của các nhà nước, các tổ chức chống tham nhũng và báo chí nước ngoài. Với văn phong báo chí gần gũi và dễ hiểu với mọi đối tượng độc giả, cùng hàng trăm vụ việc, sự kiện, nhân vật đang sống trong thời đại chúng ta, cuốn sách hấp dẫn từ đầu đến cuối theo mạch văn nhanh, sống động. Tác giả cho biết, những thông tin trên blog, mạng xã hội, hay những thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền quản lý xã hội không được đưa vào cuốn sách. Một số thông tin sử dụng nguồn tin từ văn bản tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, sau đó được chuyển thể sang tiếng Anh và tiếng Việt. Các thông tin trên đã được tác giả đối chiếu và kiểm nghiệm. Trung bình mỗi bài viết sử dụng từ 30 đến 40 nguồn tài liệu, chủ yếu là tài liệu tiếng Anh.

Chính vì vậy, việc trích dẫn đầy đủ nguồn cho tất cả các thông tin, số liệu là không thể, vì danh mục tài liệu tham khảo sẽ dầy hơn cuốn sách. Nhiều bài viết đã được đăng trên các báo: Thời Nay, Năng Lượng Mới, Đại biểu nhân dân, tạp chí Nội chính, tạp chí Nhân quyền với các bút danh khác nhau như Hà Hồng Hà, Anh Khôi, Nhật Đăng, Hà Nhật Anh, … Tuy nhiên, báo chí chủ yếu đăng phần sự kiện, nhân vật và số liệu, không trình bày theo lối nghiên cứu – sự kiện – bình luận như cuốn sách này.

Các bài viết được bố trí theo cách ngẫu hứng, vì hầu hết các đề tài không liên quan đến nhau. Bạn đọc từ đâu không quan trọng, có thể đọc theo đề tài ưa thích hoặc theo quốc gia. Bên cạnh những đề tài mang tính khái quát như: Sáu “mũi tên” tiễu trừ tham nhũng của Singapore; Nước Nga: chống tham nhũng không ngại trảm tướng; Người tố cáo tham nhũng: Anh hùng hay tội đồ? Nhiều bài mổ xẻ các sự kiện lớn ảnh hưởng đến khu vực hoặc toàn cầu như Cơn bão tham nhũng tàn phá FIFA, vụ LuxLeaks, vụ Swissleaks. Tìm hiểu về vai trò của các tổ chức trong hoạt động chống tham nhũng, tiêu cực, có thể đọc các bài như Vai trò báo chí Úc trong cuộc chiến với tham nhũng, Sự sáng tạo của cơ quan chống tham nhũng Hồng Kông.

Các bài viết dẫn dắt người đọc qua nhiều cảm xúc thú vị, và hơn hết, thấy được bầu không khí chống tham nhũng đang "nóng" trên toàn thế giới. Có lẽ điều mà tác giả mong muốn đem đến cho bạn đọc là một tầm nhìn bao quát, tương đối toàn diện về tham nhũng và chống tham nhũng, về thuận lợi và thách thức với Việt Nam, về cơ hội và ý chí trong cuộc đấu tranh với tham nhũng.

NM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực