Từ “Tuần lễ Vàng” đến “Quỹ Độc Lập”: Bài học quý về công tác dân vận

Thứ năm, 19/09/2019 11:47
(ĐCSVN) - Cách đây gần 75 năm, trước những khó khăn chồng chất của tình thế cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận động nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ Vàng” và xây dựng “Quỹ Độc Lập”. Sự kiện trên không chỉ giúp Chính phủ cách mạng non trẻ vượt qua những thiếu thốn về tài chính mà còn là minh chứng rõ nét cho sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân.

Đông đảo các tầng lớp nhân dân thủ đô mít tinh ủng hộ Tuần lễ Vàng. (Ảnh tư liệu).

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Việc tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết của quần chúng là vấn đề cốt lõi, có tính quyết định trực tiếp tới thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua của Đảng ta cho thấy, Đảng ta đã thường xuyên quan tâm công tác dân vận, vận động quần chúng, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội để tạo ra sức mạnh tổng hợp đưa cách mạng vượt qua khó khăn, từng bước giành thắng lợi. Trong đó, quá trình vận động nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ Vàng” và xây dựng “Quỹ Độc Lập” ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một bài học thực tiễn sinh động về công tác dân vận, vận động quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước và phát huy trách nhiệm của mọi công dân trước sự tồn vong của đất nước, của dân tộc.

Với thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ thân phận nô lệ, nhân dân ta đã trở thành chủ nhân thực sự của nước Việt Nam độc lập, những người làm chủ vận mệnh đất nước. Song cách mạng thắng lợi chưa được bao lâu, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế, tài chính: Quốc khố gần như trống rỗng, kinh tế kiệt quệ, chưa thu được thuế, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp, ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng trong đó có tới 580 nghìn đồng rách nát đang chờ tiêu huỷ, các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng… Những khó khăn tài chính càng thêm chất chồng khi quân Tưởng ép chúng ta sử dụng tiền Quan kim, Quốc tệ. Tình hình đó đòi hỏi chính quyền cách mạng cần nhanh chóng có biện pháp bảo đảm tài chính tạo cơ sở vững chắc để có thể tiến hành các nhiệm vụ cách mạng quan trọng tiếp theo.

Đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, trên cơ sở kế thừa truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, vận dụng sáng tạo tư tưởng, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê nin về sức mạnh của quần chúng và phân tích đúng đắn xu hướng chính trị của các giai tầng trong xã hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương tổ chức “Tuần lễ Vàng” động viên nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng “ Quỹ Độc Lập”. Đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng trong vận động mọi người dân yêu nước, tha thiết với nền độc lập của dân tộc tự nguyện đóng góp cho Tổ quốc, đưa cách mạng vượt qua khó khăn thử thách và tiếp tục giành thắng lợi to lớn.

Trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ Vàng”, Hồ Chủ Tịch nhấn mạnh: “Muốn củng cố nền tự do độc lập, chúng ta cần sức hy sinh, phấn đấu của toàn quốc đồng bào, cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”(1). Từ đó có thể thấy đối tượng hướng tới của Đảng và Chính phủ cách mạng trong “Tuần lễ Vàng” là “toàn quốc đồng bào”, những người thực sự có trách nhiệm với vận mệnh dân tộc, trong đó trước nhất là những người giàu có, các nhà tư sản dân tộc yêu nước, những điền chủ có tinh thần cách mạng… Đây là sự cụ thể hoá quan điểm về lực lượng cách mạng của Đảng ta trong bối cảnh lịch sử đặc biệt khó khăn. Đồng thời, chủ trương này cũng có ý nghĩa quan trọng trong khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân lao động, chung sức đoàn kết cùng chính quyền cách mạng non trẻ khắc phục khó khăn. Với chủ trương nói trên, Đảng ta cũng đã tạo điều kiện để các nhà tư sản dân tộc yêu nước và những người giàu có trong xã hội có thể ủng hộ, giúp đỡ cách mạng; qua đó, vừa tạo cho họ niềm tin vào chính quyền mới, đồng thời đập tan những luận điệu chia rẽ, xuyên tạc của các thế lực phản động, tay sai.

Thực tế lịch sử cho thấy, “Tuần Lễ Vàng” đã thu được nhiều kết quả to lớn. Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 17-24/9/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho “Quỹ Độc Lập” khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương. Ở nơi cực Bắc của Tổ quốc, Vua Mèo Vương Chí Xình (Đồng Văn, Hà Giang) đã ủng hộ 9 cân vàng và 2,2 triệu đồng bạc trắng. Tại cố đô Huế, Nam Phương Hoàng Hậu (Vợ của cựu hoàng Bảo Đại - khi đó là cố vấn Vĩnh Thuỵ) đã ủng hộ hàng chục chiếc nhẫn, hoa tai, vòng vàng quý, nêu gương cho nhân dân Huế ủng hộ 420 lạng vàng. Bà Thềm - Công chúa Chăm (Ninh Thuận) ủng hộ 1 mũ vàng, 1 quả na, 1 quả khế, 1 nải chuối vàng và cả chiếc mục vàng của dòng họ vua Chăm... Có thể nói, thông qua tuyên truyền, “Tuần lễ Vàng” đã nhận được sự ủng hộ sôi nổi trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Không chỉ có người giàu mà gần như mỗi gia đình dù ít, dù nhiều cũng tham gia ủng hộ xây dựng “Quỹ Độc Lập”, người đôi bông tai, nhà 1-2 con bò… Cụ ông Nguyễn Văn Bằng 83 tuổi ở xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) vẫn nhớ như in không khí sôi nổi những ngày giữa tháng 9/1945 khi mẹ và bà nội mình đã ủng hộ đôi bông tai và hai chiếc vòng vàng “hồi môn” cho chính quyền cách mạng. Kết quả là “chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kilôgam vàng”(2). Theo nhiều nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đồng/lạng thì số tiền 20 triệu đồng tương đương 50.000 lạng (khoảng 1923 kg), tổng cộng được 2.293 kg hoặc 59.618 lạng, (theo thời giá hiện nay tương đương trên 3.000 tỉ đồng). Điểm nổi bật là phong trào “Tuần lễ Vàng” đã ghi nhận sự tham gia tích cực của nhiều nhà tư sản yêu nước. Vợ chồng ông Đỗ Đình Thiện ủng hộ 86 lạng vàng, 200 tấn thóc, 1.000 con bò và 40.000 đồng Đông Dương. Gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Minh Hồ ở Hà Nội đã ủng hộ 500 cây vàng và vận động quyên góp được 4.000 lạng vàng… Điều đặc biệt là trước Cách mạng Tháng Tám, theo lời kêu gọi của Việt Minh, ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 50.000 đồng Đông Dương (tương đương 125 lạng vàng) và may hàng chục bộ quần áo complê cho cán bộ mặc trong ngày Quốc khánh 2/9/1945.

Những kết quả thu được từ “Tuần lễ Vàng” cuối mùa thu Ất Dậu 1945 không chỉ có ý nghĩa to lớn về tài chính mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc Lập” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và Chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, tạo thế và lực để giải quyết từng bước các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo. Đồng thời, đây còn là cơ sở để cuối tháng 1/1946 chúng ta phát hành đồng tiền Việt Nam, bước đầu xây dựng một nền tiền tệ độc lập. Mặt khác, những kết quả đó còn góp phần quan trọng nâng cao uy tín của chính quyền cách mạng non trẻ trước quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, nhất là các nhà tư sản dân tộc, các điền chủ yêu nước… để họ thực sự là “bầu bạn của cách mạng”, qua đó đoàn kết mọi lực lượng tạo sức mạnh tổng hợp để củng cố, giữ vững thành quả cách mạng. Đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do, độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút VÀNG để phụng sự Tổ quốc”(3). Đây thực sự là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác dân vận, vận động và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, đặc biệt là vào những thời điểm khó khăn của sự nghiệp cách mạng. Mỗi lạng vàng, từng đồng bạc Đông Dương khi đó chính là biểu hiện sâu sắc của tinh thần yêu nước, biểu hiện sinh động cho trách nhiệm của công dân trước vận mệnh quốc gia, dân tộc.

Phát huy bài học của “Tuần lễ Vàng” “Quỹ Độc Lập”, thấm nhuần lời dạy của Bác, “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(4), những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, vận động quần chúng; qua đó đã phát huy tốt sức mạnh của quần chúng nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Những năm gần đây, trong tình hình mới, Đảng ta đã thường xuyên coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tiến hành công tác dân vận, vận động quần chúng. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) đã thông qua quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây là cơ sở để phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên làm gương cho quần chúng. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(5), dù tuyên truyền có hay đến đâu nhưng nếu không thấy cán bộ, đảng viên nêu gương, không thấy hành động đi trước, làm trước của cán bộ, đảng viên thì người dân cũng không làm theo; khi đó, công tác dân vận sẽ không đạt được mục đích, hiệu quả. Cách vận động quần chúng có hiệu quả nhất, đó chính là đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Và khi quần chúng đã tin, đã đồng lòng theo Đảng, theo cách mạng thì sẽ tạo thành sức mạnh vô song, làm nên những chiến công hiển hách, những thành tựu kỳ diệu trong xây dựng và bảo vệ Tồ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Gần 75 năm đã trôi qua kể từ mùa Thu năm 1945, song bài học về công tác dân vận, vận động quần chúng nhân dân của “Tuần lễ Vàng” “Quỹ Độc Lập” đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Trong tình hình mới, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ Đảng-Dân, chia rẽ các giai tầng trong xã hội… chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Do đó, hơn lúc nào hết, công tác dân vận, vận động quần chúng cần phải được quan tâm đặc biệt. Các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận, vận động quần chúng nhất là Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; đồng thời, nắm bắt và giải quyết kịp thời những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, qua đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn xã hội. Hơn nữa, trước những biến động, khó khăn của nền kinh tế thế giới và tình hình kinh tế trong nước hiện nay, càng cần phát huy tốt bài học về công tác dân vận, vận động quần chúng nhân dân trong “Tuần lễ Vàng” và “Quỹ Độc Lập” để nhân dân cả nước cùng đoàn kết, đồng thuận góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, mạnh giàu./.

Chú thích:

(1), (3) Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ vàng” 17/9/1845. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 16

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, Tr. 600

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, Tr. 234

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, Tr. 284

Tạ Quang Đạo - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực