Xây dựng nhà hát mới là cần thiết

Thứ năm, 18/10/2018 09:51

Xây nhà hát không ảnh hưởng tới việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm

(ĐCSVN) - Ngay sau phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy TP.Hồ Chí Minh chiều 16/10, với những chia sẻ, giải thích cặn kẽ, hợp tình hợp lý của Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân xoay quanh việc HĐND Thành phố vừa thông qua Dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (với quy mô kinh phí dự kiến là 1.500 tỷ đồng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2), những thắc mắc, những băn khoăn của dư luận và người dân TP. Hồ Chí Minh đã được sáng tỏ.

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Việc xây nhà hát sẽ không ảnh hưởng đến việc giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm. Mặc khác, việc xây dựng nhà hát này cũng là thực hiện theo quy hoạch và không tạo ra gánh nặng đối với kế hoạch xây dựng trường học, bệnh viện của Thành phố. Phải nhìn tổng thể của các kế hoạch để thấy rằng xây nhà hát là điều nên làm và việc lựa chọn Thủ Thiêm là sự lựa chọn phù hợp với không gian chung cho sự phát triển tổng hoà quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm và TP.Hồ Chí Minh trong tương lai.

Lời khẳng định của người đứng đầu Thành phố ngay sau đó đã phần nào giúp người dân bớt băn khoăn và thêm hiểu rõ hơn về dự án cũng như những giá trị mà việc triển khai dự án này đem lại cho Thành phố, cho người dân Thành phố.

Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Nguyên Giám đốc Học viện Hải quân chia sẻ: "cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc một Thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh cần phải có công trình văn hóa xứng tầm. Vì vầy, xây nhà  hát mới là cần thiết".

Những ngày qua, được nghe nhiều bà con ở khu dân cư, những người bạn chia sẻ thông tin, những ý kiến về việc TP.Hồ Chí Minh sẽ triển khai Dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Với quan điểm cá nhân, ông Lâm cho biết, mình hoàn toàn nhất trí, ủng hộ việc xây Nhà hát mới, bởi các nhà hát đã quá cũ, quá tải. Trước đây, TP Hồ Chí Minh có ba nhà hát: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát thành phố, 500 chỗ), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố. Hiện tại, chỉ Nhà hát thành phố vẫn giữ giá trị của một nhà hát đúng nghĩa. Các nhà hát xây dựng sau năm 1975 như Hòa Bình (2.330 chỗ), Bến Thành (1.400 chỗ) hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế. 

Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: TP.Hồ Chí Minh phải có công trình văn hóa xứng tầm

Về vị trí xây nhà hát mới tại quận 2, cũng là vị trí rất hợp lý, vì các quận trung tâm hiện nay (quận 1, quận 3, quận 5…) đều khó tìm kiếm được diện tích đất phù hợp để triển khai hơn nữa tình trạng kẹt xe khu vực này xảy ra thường xuyên. Thêm vào đó, vị trí ở quận 2 hiện nay được quy hoạch tốt, có các công trình như trung tâm triển lãm, công viên bờ sông, trung tâm tài chính, và mới đây Thành phố đề nghị xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh; có những tuyến giao thông kết nối với các quận trung tâm rộng, hiện đại.

Ông Lâm cho biết, cách TP.Hồ Chí Minh đặt vấn đề này ra là hợp lý. Vấn đề là ta phải tìm cách thuyết phục để tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân. “Tôi tin là với những phát biểu, chia sẻ thẳng thắn, rõ ràng, cặn kẽ của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân vừa qua, người dân sẽ đồng lòng ủng hộ cho việc triển khai dự án này”, ông Lâm cho biết.

Ông Lâm cũng góp ý, đã xác định là một công trình văn hóa tầm cỡ, thì thiết kế phải thật hoàn hảo. Việc lựa chọn thiết kế nào cũng nên lấy ý kiến góp ý từ nhiều nguồn, chọn những tinh hoa trong nước và trên thế giới, để hài hòa giữa yếu tố văn hóa dân tộc và hiện đại.

Cùng suy nghĩ, GS Hương Đang, Phó Trưởng ban Đại điện Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo TP.Hồ Chí Minh cho rằng, TP.Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, đầu tàu về kinh tế, là một trung tâm văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của Việt Nam, xứng tầm với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới, nên việc xây dựng một công trình văn hóa lớn là hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển. Những ngày qua, nhiều người dân bức xúc là bởi một phần người dân còn chưa thật sự hiểu về dự án này, nhất là nguồn kinh phí. Thật ra nguồn kinh phí cho dự án này không lấy từ ngân sách, hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm. Cá nhân GS Hương Đang cũng bày tỏ mong muốn người dân hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng với chính quyền Thành phố để đưa kế hoạch được sớm triển khai mang lại kết quả thiết thực cho chính người dân.

Hy vọng thành phố sẽ có một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc và nghệ thuật, là niềm tự hào của Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế.

GS Hương Đang, Phó Trưởng ban Đại điện Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo TP.Hồ Chí Minh cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay

GS Hương Đang cũng cho rằng trong quá trình phát triển, TP.Hồ Chí Minh cần ưu tiên ngân sách giải quyết những vấn đề cấp bách của thành phố, đầu tư cho các công trình liên quan mật thiết đến chất lượng sống của người dân như: bệnh viện, trường học, đường sá… Tuy nhiên, cùng với phát triển đất nước, Thành phố cần quan tâm chăm lo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân và việc xây dựng nhà hát không chỉ hướng đến phục vụ nhu cầu của người dân Thành phố mà còn là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, để giúp nhân dân hiểu thấu đáo vấn đề, trong thời gian tới, Thành phố cần chủ động công bố các thông tin quan trọng cho người dân được biết, vì Thành phố làm tất cả cũng vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Dù dự án lớn hay nhỏ mà nhận được sự đồng thuận của người dân thì cũng góp phần củng cố thêm niềm tin của người dân vào Đảng, vào chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh.

Anh Nguyễn Văn Tự (ngụ tại quận 9) chia sẻ: “Bản thân tôi ủng hộ quyết định xây dựng nhà hát của UBND Thành phố. Đó cũng là trách nhiệm của chính quyền Thành phố với người dân, đảm bảo cuộc sống bình yên, no ấm, hạnh phúc cho mọi người, đúng với mục tiêu hướng tới là một thành phố đáng sống. Điều tôi cũng như mọi người dân khác mong muốn cùng với việc xây dựng nhà hát, Thành phố cần tiếp tục thực hiện xây dựng những cơ sở khác mà người dân cần như trường học, bệnh viện, công viên vui chơi giải trí. Với việc xây dựng nhà hát tôi ủng hộ đồng tinh cao nhưng với điều kiện nhà hát được làm xứng đáng với số tiền bỏ ra. Nhất là sau khi hoàn thành sẽ là điểm sinh hoạt chung không chỉ có giới nghệ thuật mà còn là không gian, điểm vui chơi giải trí của đông đảo các tầng lớp nhân dân”.

Theo anh Tự, việc Thành phố xây nhà hát là chăm lo đến vì nhu cầu văn hóa của người dân. Điều này cũng cho thấy sự phát triển của Thành phố, bởi âm nhạc đỉnh cao là cái đích của nhiều người muốn đến. Và thế hệ hôm nay chưa có nhiều người có điều kiện thưởng thức, hưởng thụ âm nhạc nhưng hiện nay nhiều gia đình đã đầu tư và đầu tư lớn cho con em theo đuổi nghệ thuật. Nếu có nhà hát xứng tầm thì đây cũng là cái đích để thế hệ trẻ phấn đấu. Hơn nữa, việc xây dựng nhà hát không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của công chúng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong giai đoạn hội nhập.

Nguyễn Văn Tự cho rằng những giá trị về tinh thần góp phần quan trọng để cân bằng cuộc sống và nâng cao hiệu quả trong công việc

Anh Tự so sánh cũng như trong một gia đình cùng với sự phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái học hành thì mình cũng nên sắm sửa thêm các trang thiết bị như là dàn loa âm thanh phục vụ cho nhu cầu giải trí của gia đình sau những giờ lao động, học tập căng thẳng. Bởi âm nhạc nghệ thuật đem lại nhiều niềm vui, sự thăng hoa trong cuộc sống, giúp con người cân bằng, góp phần tăng hiệu quả hơn trong công việc.

Hiện nay, mặc dù vẫn còn ý kiến trái chiều, song vài ngày qua, dư luận dường như cũng phần nào sáng tỏ hơn xung quanh vấn đề xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Các bạn trẻ cũng khá ủng hộ cho dự án này.

Bạn Bùi Văn Khoa (ngụ quận 2) chia sẻ: “Tôi đã có thời gian dài ở Hà Nội, với tôi Hà Nội có nhiều điểm hấp dẫn và trong đó có Nhà hát lớn Hà Nội. Tuy đã được xây dựng từ nhiều năm nhưng tôi biết sau nhiều lần sửa chữa Nhà hát lớn Hà Nội vẫn là một trung tâm phục vụ cho các hoạt động nghệ thuật, đặc biệt không gian nhà hát, kiến trúc cảnh quan của Nhà hát là nơi, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch nước ngoài và của người dân trong nước. Nơi đây là điểm chụp ảnh cưới hay các điểm check in của giới trẻ, được biết TP.Hồ Chí Minh có chủ trương xây dựng nhà hát, tôi rất đồng tình và mong muốn TP.Hồ Chí Minh sớm xây dựng nhà hát này xứng tầm với trung tâm đô thị lớn của cả nước. Xây dựng Nhà hát trở thành một trong những điểm hấp dẫn của Sài Gòn, nhất là với giới trẻ chúng tôi”.

Lấy dẫn chứng Nhà hát Opera Sydney (Úc), anh Khoa cho rằng nơi đây không chỉ là điểm biểu diễn nghệ thuật mà còn là công trình tiêu biểu của tiểu bang New South Wales, là di sản kiến trúc của nước Úc. Mỗi dịp giao thừa, cả thế giới lại ngóng về cầu cảng Sydney và Nhà hát “con sò” để chiêm ngưỡng màn pháo hoa kỳ vĩ lộng lẫy chào đón năm mới.

Trên thực tế chúng ta có thể thấy rằng, một công trình, đặc biệt về lĩnh vực văn hóa, thường nhận những ý kiến trái chiều, vì xét cho cùng, người dân vẫn muốn những điều thiết thực cơm-áo-gạo-tiền hơn là những điều còn “xa vời”. Điều đó cũng là dễ hiểu. “Những người trẻ chúng tôi dù không sinh ra ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng giờ đang an cư lạc nghiệp tại đây, đang ngày ngày cống hiến cho Thành phố này, mong sao với quyết tâm, lãnh đạo và Nhân dân TP.Hồ Chí Minh sẽ cùng giải quyết những vấn đề của Thành phố đúng tinh thần văn minh, hiện đại, nghĩa tình để đưa Thành phố phát triển toàn diện hơn nữa không chỉ về kinh tế mà còn mang vóc dáng và chiều sâu văn hóa, nghệ thuật vươn tầm khu vực và thế giới”, anh Khoa cho biết./.

Vương Lê-Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực