Xứng tầm Di sản Văn hóa thế giới

Thứ bảy, 07/09/2019 21:09
(ĐCSVN) – Qua 20 năm được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, Khu đền tháp Mỹ Sơn đến nay đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt là trên lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ di tích của các cấp chính quyền, người dân và du khách cũng được nâng cao.
Cùng với việc hoàn thành công tác trùng tu tháp G
và một số tháp, nhóm tháp khác, đến nay việc phục dựng lại di tích ở Mỹ Sơn
đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, du khách tìm đến ngày một đông hơn

Gần 225 ngàn tỷ đồng  tu bổ di tích và phát triển cơ sở hạ tầng

Chúng tôi đến Khu Đền tháp Mỹ Sơn  tìm hiểu những kết quả qua 20 năm trùng tu, phát huy giá trị di sản trong những ngày các thành viên trong Ban Quản lý Di sản Mỹ Sơn khá bận rộn để chuẩn bị công tác kỷ niệm 20 năm ngày Khu Đền tháp Mỹ Sơn chính thức được Unesco công nhận và vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới (4/12/1999).

Ông Phan Hộ, trưởng Ban Quản lý (BQL) Di sản Mỹ Sơn mở đầu cầu chuyện: “Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) được tổ chức vào ngày 04/12/1999 tại thành phố Marrakesh, Morocco, cùng với Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn đã chính thức được công nhận và vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới. Đến nay, qua 20 năm được tôn vinh, với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các cơ quan, ban ngành hữu quan của Trung ương và địa phương, đến nay Mỹ Sơn đã thực sự xứng tầm là một Khu di sản văn hóa của thế giới”- 

Trực tiếp đưa chúng tôi vào “mục sở thị” các khu đền tháp vừa được phục dựng, ông Hộ cho biết: Trong 20 năm qua, đã có gần 225 ngàn tỷ đồng được đầu tư vào đây để tu bổ di tích và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, có gần 167 ngàn tỷ là thực hiện các dự án tu bổ di tích; số còn lại là tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng khu vực di sản này. “Có nhiều nguồn hỗ trợ để đầu tư, riêng trong việc tu bổ di tích có hơn 130 ngàn tỷ là vốn tài trợ của nước ngoài; hơn 16 ngàn tỷ là vốn chương trình mục tiêu quốc gia; gần 10 ngàn 500 tỷ là ngân sách của tỉnh và khoảng 10 tỷ đồng từ ngân sách của huyện”- ông Phan Hộ cho biết thêm.

Từ những nguồn vốn khá lớn đó, trên cơ sở sự chỉ đạo của Trung ương, chính quyền tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương, BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã trực tiếp làm việc với các đối tác là các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước để tìm giải pháp trùng tu, phục dựng các di tích bị hư hỏng, xuống cấp cũng như triển khai nhiều dự án có liên quan tại Khu di sản này.

Trong đó, riêng trong công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích, theo báo cáo của BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn thì, trong 20 năm qua, Khu di sản này đã tiếp nhận, hợp tác với các tổ chức, đơn vị và cá nhân trong và ngoài nước thực hiện khoảng 16 dự án, nhóm dự án. Trong đó điển hình như: Dự án thực hiện chương trình thông tin địa lý (GIS) cho Khu di sản Mỹ Sơn, do tổ chức Lerici Foundation thông qua tổ chức UNESCO tài trợ 200.000 USD; Dự án hợp tác với tổ chức America Express tài trợ thông qua Quỹ Di sản thế giới 75.000 USD (năm 2002) cùng với viện Khảo cổ học tiến hành khai quật 02 đợt (2002 và 2005) khơi thông dòng suối Khe Thẻ đoạn chảy qua giữa khu A và khu BCD thuộc Khu di sản nhằm chống sạt lở nhóm tháp A; Dự án xây dựng Nhà Trưng bày Mỹ Sơn từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản thông qua tổ chức JICA, số tiền 299 triệu Yên (tương đương 43 tỷ đồng Việt Nam năm 2005), nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu tổng quan về Mỹ Sơn, góp phần quảng bá hình ảnh Mỹ Sơn, nâng cao nhận thức của người dân về di tích này; Dự án hợp tác ba bên UNESCO - Việt Nam - Italia về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn” (đã trải qua 03 giai đoạn trùng tu, tôn tạo từ năm 2003 đến năm 2013) với tổng kinh phí hơn 1,3 triệu USD. Dự án đã góp phần quan trọng vào việc gia cố chống xuống cấp và từng bước định hình lại nguyên trạng nhóm tháp G.

Múa Chăm đã được phục dựng lại tại Khu di sản này
thông qua việc hình thành đội văn nghệ dân gian Chăm

Bên cạnh các dự án trên, từ năm 2015 đến năm 2020, Dự án Ấn Độ trùng tu nhóm tháp K,H,A khu di tích Mỹ Sơn được triển khai đã góp phần cứu vãn các nhóm tháp K,H, A có nguy cơ sụp đổ và định dạng lại các kiến trúc để tạo bền vững di tích và phát huy giá trị thu hút khách.

Cùng với đó, Dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ cấp thiết một số hạng mục thuộc khu tháp E, F Mỹ Sơn trong chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó hoàn thành việc trùng tu tháp E7 (khởi công từ tháng 6/2011 và đến tháng 5/2013); Dự án “Trung tâm đào tạo, bảo tồn di tích văn hóa tỉnh Quảng Nam” trùng tu tháp G4 và khai quật khảo cổ nhóm tháp L… là những dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo dựng lại hình ảnh khá nguyên vẹn các di tích này trong khu vực Di sản văn hóa Mỹ Sơn hiện nay.

“Thông qua những chương trình, dự án kể trên, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn chúng tôi có cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện hoặc phối hợp tổ chức thực hiện với các cơ quan của Trung ương, tỉnh Quảng Nam và các ban, ngành liên quan huyện Duy Xuyên. Từ sự hợp tác này không những giúp bảo tồn, phát huy các di sản mà một vấn đề hết sức quan trọng không dễ có được chính là lôi kéo sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ và đồng hành cùng di sản của nhiều tổ chức, cá nhân nhà khoa học của thế giới và trong nước. Cũng thông qua đây, cơ hội hợp tác quốc tế để bảo tồn, phát huy di sản Mỹ Sơn sẽ tiếp tục được thực hiện, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức và cá nhân các nhà khoa học trên thế giới trong thời gian đến là rất lớn. Mặt khác, bản thân BQL chúng tôi cũng như các nhà quản lý, nhà khoa học có liên quan của tỉnh và trong nước không được tiếp xúc, học tập, tiếp thu kinh nghiệm để áp dụng vào công việc cụ thể của mình”- ông Phan Hộ, chia sẻ.

Lượng khách  luôn vượt chỉ tiêu hằng năm

Ngoài những kết quả kể trên, trong 20 năm qua, công tác nghiên cứu khoa học về bảo vệ, bảo tồn và phát huy di sản cũng được các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên và BQL Khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn thực hiện. Thông qua nhiều hội thảo, hội nghị về các vấn đề có liên quan đã tiếp tục làm rõ những giá trị cơ bản vốn có của Khu di sản Mỹ Sơn, đồng thời tìm ra giải pháp bảo tồn và phát huy vững chắc cho Khu di sản này. Nhiều hội thảo đã đánh giá lại những quy trình bảo tồn sau khi tiến hành trùng tu, tôn tạo. Chính các cuộc hội thảo, tọa đàm đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, tạo cơ sở khoa học trong việc thực hiện các dự án, đề án quan trọng tại đây trong thời gian quan cũng như trong thời gian tới.

Song song với việc nghiên cứu về di tích, công tác tìm hiểu các giá trị văn hóa của cộng đồng xung quanh và vùng phụ cận trong thời gian gần đây cũng được các tổ chức quốc tế và đơn vị Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn quan tâm. Các kết quả từ công tác nghiên cứu khoa học này đã để lại những công trình xuất bản có giá trị như phim tài liệu “Mỹ Sơn - Thung lũng thần linh và nghệ thuật”, hàng chục cuốn sách xuất bản về Mỹ Sơn, các cuộc trưng bày, triển lãm ở cộng đồng địa phương, các sự kiện văn hóa… đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ di sản và quảng bá đến công chúng. 

Thực hiện công tác phát huy di sản, chính quyền huyện Duy Xuyên, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục di sản đến cộng đồng thông qua việc giáo dục di sản trong trường học. Theo ông Phan Hộ, với việc triển khai dự án của UNV (thanh niên với việc bảo tồn di sản) từ 2004 đến 2006, hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên của đơn vị đã đến các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Mỹ Sơn. Đơn vị thường xuyên phối hợp với phòng Giáo dục Đào tạo huyện Duy Xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Mỹ Sơn, xuất bản sách và đã in hơn 2.000 cuốn tài liệu dùng cho giáo viên và sách dùng cho học sinh trong nhà trường cấp I và II, thông qua đó nhằm giáo dục ý thức bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, gìn giữ văn hóa của địa phương. Ngoài ra, hằng năm, đều có các hoạt động thi viết, vẽ về Mỹ Sơn, thi tìm hiểu về giá trị Mỹ Sơn, thi “Em là hướng dẫn viên” bằng tiếng Anh và Việt.

Không chỉ dừng lại ở việc quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, những giá trị về văn hóa phi vật thể cũng đang trở thành vấn mà địa phương và ngành chức năng tại đây đặt ra để bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Nói về vấn đề này, ông Phan Hộ cho biết, trong 20 năm qua, giá trị nổi bật nhất của công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể là việc xây dựng thành công thương hiệu múa Chăm Mỹ Sơn. Bắt đầu từ nền văn hóa phi vật thể dân gian Chăm, BQL đã hình thành ý tưởng, xây dựng con người, ra đời Đội văn nghệ dân gian Chăm và ngày nay là phòng Văn hóa Nghệ thuật Dân gian Chăm và ngày càng củng cố, bổ sung các chương trình biểu diễn múa dân gian thu hút khách và gìn giữ bảo tồn vốn quý văn hóa truyền thống. Ngoài ra, còn tổ chức khai thác, xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện lễ hội như Đêm Mỹ Sơn huyền ảo; Hành trình Di sản lần 1,2,3; Chương trình Lễ hội Mùa Xuân bên tháp cổ, Festival di sản, sự kiện kỷ niệm 5 năm, 10, năm, 15 năm…  đã tạo nên những sản phẩm du lịch và sự kiện văn hóa đặc trưng của Mỹ Sơn hiện nay.

Với việc chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đến nay Khu đền tháp Mỹ Sơn
thực sự là một điểm tham quan nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tìm đến

Mặc dù gặp rất nhiều những bất lợi về điều kiện thời tiết, tình hình thế giới và khu vực luôn trực tiếp tác động đến việc phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch trong từng năm, từng thời điểm. Nhưng bức tranh về du lịch Mỹ Sơn là những gom màu tươi sáng. Từ công tác đầu tư hạ tầng, đến xây dựng sản phẩm du lịch, thu hút khách tham quan, phát triển du lịch cộng đồng thời gian qua cũng là những kết quả đáng kể sau 20 năm Mỹ Sơn được vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới”- ông Hộ khẳng định và cho biết thêm:  “Lượng khách tham quan Mỹ Sơn tăng trưởng hằng năm, năm sau cao hơn năm trước. Nếu 20 năm trước, khách tham quan chỉ vài trăm lượt thì đến nay, số lượng khách đến đây đạt trên 400.000 lượt, trong các năm trở lại đây tăng trung bình trên 10%/năm. Đối tượng khách cũng ngày một mở rộng, thị trường khách ngày càng đa dạng. Riêng trong 3 năm trở lại đây, lượng khách và doanh thu tăng trưởng mạnh. Cụ thể: Năm 2016 tổng lượt khách là 282.159 lượt khách, tăng 18,3% so với năm 2014. (trong đó, khách Quốc tế là 229.750 lượt khách, tăng 20,65 %, khách Việt là 52.409 lượt khách, tăng 8,89 %); năm 2017 đạt 342,082 lượt khách, tăng 8,65%, doanh thu đạt 54,242,704,144 đồng, tăng 10,44%; năm 2018 tổng lượt khách đạt 399.657  lượt khách, tăng 10,34%, doanh thu đạt 62.170.904.000 đồng, tăng 10,85%. Riêng lượt khách 6 tháng đầu năm 2019 này 213.685 lượt, tăng  3,28%, khánh Quốc tế đạt 188.993 lượt, tăng 6,1 % so với cùng kỳ, tổng doanh thu đạt  34.709.541.647 đồng.

“Lượng khách đạt được luôn vượt chỉ tiêu hằng năm so với mức đề ra, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo đời sống và thu nhập ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện chính sách phúc lợi, an sinh xã hội, đầu tư lại cho công tác bảo tồn di sản”- ông Phan Hộ thông tin./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực