Phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Thứ hai, 19/12/2016 15:46

(ĐCSVN) - Những năm qua sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc liên tục có sự tăng trưởng vượt bậc, giá trị sản xuất toàn ngành năm sau cao hơn năm trước; năng suất cây trồng, vật nuôi từng bước được nâng lên. Để có được kết quả đó ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ được coi là khâu tạo sự đột phá.

Ảnh minh họa: K.G

Từ khi tái lập tỉnh Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc đã ưu tiên để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai hàng loạt đề tài, dự án khoa học công nghệ thuộc chương trình nông thôn miền núi. Giai đoạn từ 1997 – 2005 đã có 28 thiết bị kỹ thuật được ứng dụng và 131 đề tài, dự án được triển khai, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, sử dụng hợp lý tài nguyên đất trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ cây trồng và vật nuôi theo hướng phát triển bền vững. Trong trồng trọt, cơ cấu giống lúa đã được chuyển đổi mạnh sang các giống mới, ngắn ngày từ đó thực hiện thành công việc chuyển trà lúa theo hướng mở rộng trà xuân muộn, mùa sớm; thu hẹp trà lúa chiêm và xuân sớm; bỏ hẳn trà lúa xuân chính vụ, lúa mùa cực sớm. Từ năm 2000 đến năm 2004, năng suất lúa của tỉnh đã tăng 13,2%, tổng sản lượng lương thực quy thóc tăng 5,5%, trong khi diện tích đất nông nghiệp giảm 5%. Tỉnh cũng xác định được các giống ngô lai chủ lực, và trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về tỉ lệ trồng ngô lai. Các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh ngô như thời vụ, mật độ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh được tập trung chỉ đạo sâu sát, do vậy năng suất không ngừng nâng cao. Về  phát triển rau, hoa: Nhiều giống mới đã được triển khai trồng và thu được kết quả đáng khích lệ như rau cải các loại, dưa hấu, dưa chuột, hoa lyly, cúc, lan,... Từ đó góp phần quan trọng tạo ra các cánh đồng hoa trị giá hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Giai đoạn từ năm 2006 – 2010, tiếp tục triển khai 105 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 06 dự án khoa học công nghệ. Quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực. Trồng trọt ổn định cơ cấu sản xuất 3 vụ/năm với công thức luân canh phổ biến là 2 vụ lúa một vụ đông. Đã xác định được cơ cấu giống hợp lý cho từng vùng trong tỉnh, với các giống có tiềm năng năng suất, chất lượng cao. Các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, thâm canh như SRI, 3 giảm 3 tăng, IPM, gieo thẳng bằng giàn kéo tay, đưa cơ giới hoá vào trong các khâu làm đất, thu hoạch,… Đặc biệt, nhờ tích cực đưa các giống rau, cây màu và sản xuất vụ Đông nên từ đây vụ Đông đã trở thành vụ sản xuất hàng hóa chính, bên cạnh cây ngô đông truyền thống thì hàng loạt cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn đã được mở rộng trong sản xuất vụ đông như: bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, cà chua, susu, ớt... Đã hình thành được nhiều vùng trồng trọt sản xuất hàng hoá tập trung như: vùng lúa chất lượng cao HT1, TBR-1; vùng bí đỏ; vùng dưa chuột, dưa hấu; vùng rau susu. Chăn nuôi, thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh, đã tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Trong chăn nuôi xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi từ 34,6% năm 2005 lên 53% năm 2010. Đã có nhiều hộ nông dân mạnh dạn áp dụng kết quả đề tài nghiên cứu phương thức nuôi thả bán công nghiệp với các loài cá truyền thống đã cho năng suất từ 10-15 tấn/ha, có mô hình đạt 18 tấn/ha.

Từ năm 2011 đến nay, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp đã chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó tập trung nghiên cứu vào một số lĩnh vực công nghệ cao như: Trồng rau, hoa chất lượng cao trong nhà lưới; phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng thâm canh. Đặc biệt, trong năm 2015 Vĩnh Phúc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là một trong 4 địa phương trong cả nước tổ chức khảo nghiệm ngô biến đổi gen. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành đặc biệt là Sở Khoa học công nghệ tổ chức hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật và giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp góp phần phục vụ thiết thực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với quan điểm chủ đạo là: Lấy con người và khoa học công nghệ là động lực cho phát triển nông nghiệp. Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có lợi thế, có thị trường. Tập trung, ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng chủ lực theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, ưu tiên mô hình sản xuất áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, xanh, sạch. Nội dung trên đòi hỏi tính ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ rất cao. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong ngành nông nghiệp thời gian qua còn nhiều hạn chế như: Một số đề tài, mô hình mới chỉ dừng lại ở mức độ xây dựng mô hình, chưa được nhân rộng ra sản xuất; nội dung của một số đề tài còn đơn điệu, nghèo nàn, mới chỉ tập trung vào khâu giống, kỹ thuật canh tác là chính, chưa có đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản chế biến nông sản, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công nghệ mới và sản phẩm chất lượng cao, chưa tiếp cận nhanh với khoa học công nghệ hiện đại của thế giới và khu vực.

Chúng ta đã được biết đến nền nông nghiệp Nhật Bản, Israel mặc dù tài nguyên đất đai, khí hậu của họ không được thiên nhiên ưu đãi như ở nước ta nhưng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nên nền nông nghiệp của họ đứng đầu thế giới. Những nước trong khu vực như Thái Lan, Philippin cũng có nền nông nghiệp tương đối hiện đại do tích cực đầu tư khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Đất nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp do tài nguyên đất đai và khí hậu thuận lợi, tuy nhiên để khai thác được tiềm năng đó thì việc phát huy vai trò của khoa học công nghệ là giải pháp then chốt. Đây là vấn đề mà đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang tập trung giải quyết cùng với các giải pháp về đất đai, lao động, thị trường để đưa nền nông nghiệp nước ta vươn lên hội nhập với thế giới, tập trung phát triển các sản phẩm có thế mạnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

 

 

T.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực