Tạo chuyển biến mạnh mẽ cho ngành sản xuất rau, củ, quả

Thứ ba, 26/12/2017 14:27
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, ngành đang tập trung đẩy mạnh sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho ngành sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản và đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.
Vườn su su xanh mướt đất Vĩnh Phúc (Ảnh: D.L)

Những năm gần đây, rau quả được xác định là ngành hàng chủ lực trong trồng trọt sản xuất hàng hóa để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, cùng với tăng dần diện tích, năng suất, sản lượng cây rau, Vĩnh Phúc đã hình thành một số vùng chuyên canh rau. Đến nay, có 122 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích canh tác trên 900 ha; 65 cơ sở sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 688,5 ha. Nếu như năm 2013, diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh khoảng hơn 7.718 ha, năng suất trung bình 181 tạ/ha thì đến năm 2017, diện tích gieo trồng rau đã tăng lên trên 9.300 ha, năng suất trung bình đạt gần 210 tạ/ha với chủng loại rau rất đa dạng, phong phú. Hiện, có khoảng 60% sản lượng rau sản xuất ra được tiêu thụ trong tỉnh, còn lại là tiêu thụ tại các thị trường: Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh miền núi phía Bắc và một phần xuất sang Trung Quốc. Trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số doanh nghiệp đứng ra liên kết và bao tiêu sản phẩm sản xuất theo chuỗi cho nông dân như: Hợp tác xã Vân Hội xanh, Hợp tác xã rau an toàn Vĩnh Phúc, Hợp tác xã dịch vụ và nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, Công ty TNHH sản xuất và phân phối nông sản sạch OFP…

Về sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả sạch, an toàn, đến nay, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đạt trên 60 ha với sản lượng khoảng 10.000 kg rau/ngày. Các tổ chức, cá nhân đã cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh các loại rau, củ, quả an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Qua điều tra từ các hộ nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất rau VietGAP cho thấy, trên địa bàn tỉnh đang có 5 kênh tiêu thụ rau VietGAP: Người sản xuất rau trực tiếp bán sản phẩm cho người tiêu dùng; các hộ sản xuất tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã và được bao tiêu một phần sản phẩm; các tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu thụ một phần sản phẩm cho các hộ thành viên qua ký kết hợp đồng với các siêu thị, nhà hàng, khách sạn; qua các hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp và tiêu thụ trực tiếp sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã đến tay người tiêu dùng qua hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp.

Để thúc đẩy sản xuất rau quả phát triển, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc sẽ tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã rau an toàn kiểu mới; thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất rau củ quả an toàn; đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất và tham mưu, đề xuất tỉnh có thêm những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất rau an toàn.

Có thể thấy, những chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh cùng sự sát cánh của ngành nông nghiệp đang là động lực để các hợp tác xã, doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất vào lĩnh vực vốn nhiều rủi do này, các đại biểu kiến nghị chính quyền địa phương cần có thêm những cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả an toàn phát triển thuận lợi; tăng cường tập huấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất rau an toàn; có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng; tìm kiếm các công ty cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào có chất lượng tốt, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để đưa vào sử dụng nhằm tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực