Tín dụng ngân hàng tại Vĩnh Phúc đa dạng hóa dịch vụ thanh toán theo hướng hiện đại

Thứ năm, 27/09/2018 16:16
(ĐCSVN) –Từ đầu năm đến nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ; đa dạng hóa và đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, gia tăng dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực thông lệ và quốc tế.
Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)

Đẩy mạnh chất lượng dịch vụ đảm bảo đáp ứng nhiều tiện ích cho người sử dụng

Thời gian qua, để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sử dụng dịch vụ, tiện ích của khách hàng, Ngân hàngNnhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát lại toàn bộ hệ thống ATM và đảm bảo thời gian phục vụ theo đúng quy định cũng như chất lượng, dịch vụ, an toàn trong hoạt động ATM. Giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ ATM để có kế hoạch bổ sung, đáp ứng tốt nhất nhu cầu giao dịch của khách hàng và tăng cường công tác cảnh giác đối với các phương thức, thủ đoạn phạm tội và phối hợp với cơ quan công an, lực lượng an ninh, trật tự địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan. 

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn luôn tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa và đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực thông lệ và quốc tế. Đồng thời, tăng cường hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn đối với hệ thống thanh toán. Trong giao dịch một cửa, giao dịch viên luôn hướng dẫn tận tình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng giao dịch. Các ngân hàng chủ động tiếp cận với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để mở rộng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trả lương cho cán bộ - công nhân viên qua tài khoản ngân hàng...

Theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn 9 tháng năm 2018 tương đối ổn định, phổ biến ở mức từ 0,6% đến 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,3% đến 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,3% đến 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức từ 6,5% đến 7,3%/năm.

Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và định hướng điều hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam, với mục tiêu đồng hành cùng khách hàng, từ tháng 2 năm 2018 một số ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức từ 6% đến 6,5%/năm đối với ngắn hạn; từ 7% đến 9%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức tư 6,8% đến 9%/năm đối với ngắn hạn; từ 9% đến 10,5%/năm đối với trung và dài hạn.

Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4% đến 5%/năm. Lãi suất ở mức hợp lý đã tác động tích cực đến nền kinh tế, tiếp tục chia sẻ và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh.

Đến 31/8/2018, nguồn vốn huy động đạt 63.781 tỷ đồng, tăng 3,14% so với cuối năm 2017; trong đó, huy động vốn trên 12 tháng đạt 18.254 tỷ đồng, chiếm 28,62% tổng nguồn vốn huy động, tăng 36,36% so với cuối năm 2017.
Dự kiến đến 30/9/2018, tổng nguồn vốn huy động đạt 65.350 tỷ đồng, tăng 5,67% so với cuối năm 2017. Trong đó, tiền gửi các tổ chức kinh tế 24.410 tỷ đồng, giảm 6,55% so với cuối năm 2017; tiền gửi tiết kiệm 39.760 tỷ đồng, tăng 14,49% so với cuối năm 2017; phát hành giấy tờ có giá 1.180 tỷ đồng, tăng 19,07% so với cuối năm 2017.

Chú trọng mở rộng tín dụng có hiệu quả

Cùng với công tác huy động vốn, hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn chú trọng mở rộng tín dụng có hiệu quả; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, BOT... 

Tính đến ngày 31/8/2018, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 61.422 tỷ đồng, tăng 2,66% so với tháng trước và tăng 16,25% so với cuối năm 2017. Dự kiến đến 30/9/2018, tổng dư nợ cho vay đạt 62.130 tỷ đồng, tăng 17,59% so với cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 38.785 tỷ đồng, tăng 19,61% so với cuối năm 2017, chiếm 62,43% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 23.345 tỷ, tăng 14,36% so với cuối năm 2017, chiếm 37,57% tổng dư nợ.

Thời gian tới, các ngân hàng trên địa bàn sẽ tiếp tục mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, tiện ích, mở rộng mạng lưới ATM, POS và các dịch vụ khác góp phần đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng đồng thời thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư, thúc đẩy phát triển ngân hàng điện tử.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực