Vĩnh Phúc: Công tác giảm nghèo giúp nâng cao đời sống người dân

Thứ ba, 19/06/2018 16:40
(ĐCSVN) - Với mục tiêu tạo sinh kế để phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang ưu tiên lồng ghép nhiều nguồn lực để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, qua đó giúp người dân từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Các dự án giảm nghèo đã giúp nhiều gia đình ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc)
phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: TTC

Tam Đảo là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Vĩnh Phúc với khoảng hơn 80 nghìn dân; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Những năm qua, nguồn vốn vay từ các chương trình giảm nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng hành cùng nông dân trong phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nguồn vốn này đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Là một hộ dân được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi từ các dự án giảm nghèo, trước đây gia đình ông Trần Văn Hai là một trong những hộ nghèo của xã xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo. Đất đai đồi núi căn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên đời sống gia đình ông Hai gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi Hội nông dân xã Bồ Lý giới thiệu, ông Trần Văn Hai đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tam Đảo để phát triển chăn nuôi trong gia đình. Được vay ưu đãi số tiền 25 triệu đồng, ông Hai vay mượn thêm của bạn bè, họ hàng để đầu tư chăn nuôi mua bò sữa. Đến nay, không chỉ trả hết số nợ ngân hàng, bình quân hàng năm, ông Hai còn thu lãi khoảng trên 150 triệu đồng từ tiền bán sữa bò. Được biết, ông Trần Văn Hai chỉ là một trong số hơn 13.700 người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Tam Đảo được vay vốn ưu đãi từ các dự án giảm nghèo để phát triển sản xuất kinh doanh với tổng dư nợ lên tới gần 400 tỷ đồng; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22,6% năm 2010, xuống còn trên 7% năm 2017. Theo thống kê, trong năm 2017, các dự án thuộc chương trình giảm nghèo ở Tam Đảo đã thu hút được hơn 1.800 lao động có việc làm ổn định, trên 1.100 hộ nghèo đã làm mới và sửa chữa nhà ở.

Tìm hiểu được biết, cùng với Tam Đảo, công tác giảm nghèo thời gian qua đã được thực hiện có hiệu quả ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có 30 dân tộc, gồm có dân tộc Kinh và 29 dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Tày, Nùng… sống tập trung ở thị xã Phúc Yên và một số huyện như: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên… Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để hỗ trợ người dân, nhất là ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế. Đặc biệt, ngoài nguồn vốn theo Chương trình hỗ trợ của Chính phủ, hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng tại các xã nghèo, các chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhiều dự án, mô hình đã được triển khai có hiệu quả như dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và nuôi cá tầm ở huyện Tam Đảo; dự án trồng và sơ chế, bảo quản, chế biến ớt ở huyện Yên Lạc; mô hình nuôi ong ở các huyện Lập Thạch, Bình Xuyên… Nhờ đó, đời sống người dân địa phương đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, đến nay, tất cả các xã, thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Năm 2017, Vĩnh Phúc đã cho vay vốn hơn 30 nghìn lượt khách hàng thuộc các dự án giảm nghèo, với doanh số cho vay hơn 700 tỷ đồng. Đây là nguồn động lực để giúp hộ mới thoát nghèo cũng như hộ khó khăn được hỗ trợ chăm sóc y tế, từ đó hạn chế phát sinh nghèo, tái nghèo.. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, trên cơ sở đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đến đầu năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc còn 9.368 hộ nghèo tiếp cận đa chiều, giảm 2.533 hộ nghèo so với năm 2016.

Theo đồng chí Vũ Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, những năm qua, công tác giảm nghèo của các địa phương ở Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả tích cực. Vừa khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, các chính sách hỗ trợ của Trung ương, công tác giảm nghèo vừa từng bước phát huy tốt những tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, qua đó giúp người dân có điều kiện tăng thêm thu nhập và nâng cao chất lượng mọi mặt cuộc sống.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở Vĩnh Phúc vẫn còn có những hạn chế nhất định như việc rà soát danh sách hộ nghèo, phân loại các hộ nghèo về nhu cầu vay vốn theo từng lĩnh vực ở một số địa phương còn chưa sát thực tế; còn có những mô hình giảm nghèo triển khai hiệu quả chưa cao, chưa sát với nhu cầu thực tiễn của người dân; số ít người dân, nhất là bà con vùng sâu vùng xa còn có tâm lý ỷ lại, ngại phát triển sản xuất…

Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại nói trên, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Trong đó, giải pháp trọng tâm đó là sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo; kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đảm bảo giảm nghèo bền vững, nhất là tại các vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, coi trọng việc tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, người nghèo tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội cơ bản; rà soát các thủ tục, cơ chế cho vay, thu nợ đảm bảo đúng kỳ hạn, quay vòng vốn nhanh và có hiệu quả; ưu tiên người nghèo ở các xã vùng khó khăn, thôn khó khăn, phụ nữ nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng có thể thấy, công tác giảm nghèo đã phát huy hiệu quả, giúp người nghèo và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong toàn tỉnh./.

Trần Thị Chung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực