Vĩnh Phúc: Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều đổi mới

Thứ năm, 22/12/2016 14:03
(ĐCSVN) – Nhiều năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều đổi mới, nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình đã cho kết quả cao và triển khai rộng rãi vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Ảnh minh họa (Ảnh: T.L)

Từ năm 1997 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 1.242 lượt đề tài nghiên cứu khoa học, với tổng kinh phí 167.307,3 triệu đồng, và 16 dự án cấp bộ (14dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, 2 dự án hỗ trợ nâng cao tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp). Tỷ lệ các đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đạt cao khoảng 66%, chủ yếu vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh đang triển khai xây dựng quỹ phát triển khoa học công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực khoa học công nghệ và khả năng cạnh tranh.

Nguồn vốn đầu tư khoa học và công nghệ đã tập trung đầu tư cho các tổ chức khoa học công lập, các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo..., bổ sung quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân.

Năng suất, chất lượng, hàm lượng KH&CN trong một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như ô tô, xe máy, điện, điện tử, vật liệu xây dựng ngày càng tăng. Hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN trên các lĩnh vực: quản lý công nghệ, an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng được nâng lên. Triển khai có hiệu quả việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong các cơ quan hành chính, UBND xã, phường, thị trấn góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trong thời gian tới, ngành khoa học công nghệ của tỉnh tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý các đề tài, dự án trong lĩnh vực KH&CN góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH: Tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP.

Phát triển KH&CN, triển khai ứng dụng những thành tựu KH&CN vào việc tăng nhanh năng suất cây trồng, vật nuôi. Tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, các vùng trồng hoa tập trung có thể xuất khẩu, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc đang có lợi thế. Thực hiện mục tiêu chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh.

Góp phần đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ cao, công nghệ tự động hoá trong sản xuất công nghiệp và xây dựng.

Tạo nên phong trào nghiên cứu KH&CN sâu rộng hơn và có chất lượng, hiệu quả thiết thực, đồng thời đẩy mạnh các ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Ngoài ra, để nâng cao sự đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế xã hội của  Vĩnh Phúc trong thời gian tới,  thì vấn đề đặt ra là cần bám sát vào các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, các lĩnh vực nhằm đảm bảo tính thực tiễn và khả thi. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao, tỉnh cần nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân và doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh được hội nhập và thành công. Thay đổi cơ cấu kinh tế, điều chỉnh cơ cấu vốn đầu, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khao học kỹ thuật, từ đó tác động làm thay đổi và chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần tạo bứt phá để kinh tế Vĩnh Phúc phát triển nhanh và bền vững.

T.L

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực