Vĩnh Phúc: Ngành nông nghiệp tăng trưởng mạnh sau 20 năm tái lập tỉnh

Thứ hai, 19/12/2016 16:22
(ĐCSVN) - Từ khi tái lập tỉnh đến nay, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn được đặc biệt quan tâm, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ và đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành các Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 01/12/2002 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thời kỳ 2001-2005;  Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 27/12/2006 về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, là tỉnh đi trước cả nước trong việc ban hành cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Bên cạnh đó để triển khai thực hiện các Nghị quyết trên, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách như: Miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ giáo dục mầm non; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin cho nông dân; giao thông nông thôn; hỗ trợ vùng trồng trọt và xây dựng khu sản xuất tập trung; đầu tư kiên cố hóa kênh mương; cấp đất dịch vụ; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ di dân tái định cư; hỗ trợ thu nhập cho nông dân, hỗ trợ đầu tư cho các xã, phường, thị trấn có đất nông nghiệp phải thu hồi cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh...

Những năm qua, vượt qua những khó khăn của thiên tai, dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được những thành tựu quan trọng và có bước chuyển biến mới. Giá trị sản xuất toàn ngành giai đoạn 1997-2016 tăng bình quân 5,56%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 72,64% xuống còn 37,91% vào năm 2016, ngành chăn nuôi tăng từ 24,84% lên đến 52,28% năm 2016, tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản tăng dần: năm 1997 là 26,18% đến năm 2016 đạt 56,06%.

Đáng chú ý, ngành trồng trọt đã chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội của tỉnh, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, cây cảnh ngày càng tăng. Cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hợp lý góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Toàn tỉnh đã hình thành được 487 vùng trồng trọt hàng hoá tập trung với diện tích 4,3 nghìn ha, cung cấp hàng trăm tấn bí đỏ, bí xanh, dưa chuột, khoai tây,... cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thu hút thành công một số mô hình doanh nghiệp đầu tư vào trồng trọt thông qua thuê đất của nông dân với diện tích hàng trăm ha.Trong sản xuất tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học về giống và kỹ thuật thâm canh nên năng suất của các loại cây trồng liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, nhất là cây lúa.

Giá trị sản xuất bình quân trên một ha diện tích đất canh tác tăng từ 18,8 triệu đồng/ha năm 2000 lên 30 triệu đồng/ha năm 2005, năm 2010 đạt 80 triệu đồng/ha, năm 2015 đạt 135 triệu đồng/ha.

Ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về chất và lượng, tính chung giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng bình quân 10,28%/năm.  Chăn nuôi đã được triển khai theo các phương thức tổ chức mới; các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi; nhiều giống gia súc, gia cầm có chất lượng cao được đưa vào chăn nuôi như bò lai sind, lợn lai đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chăn nuôi lợn và gia cầm theo hướng công nghiệp đã trở thành thế mạnh của tỉnh,  góp phần quan trọng trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tăng sản lượng chăn nuôi của tỉnh, đến năm 2016, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đã tăng gần 5 lần so với năm 1997. Về quy mô tổng đàn: giai đoạn 1997-2016 trừ đàn trâu có xu hướng giảm do nhu cầu sức kéo còn lại các đàn gia súc, gia cầm khác đều có xu hướng tăng. Cụ thể: đàn trâu giảm từ 32,9 nghìn con (năm 1997) xuống còn 20,6 nghìn con (năm 2016); đàn bò tăng năm 1997 có 82,9 nghìn con, đến năm 2016 đạt 109 nghìn con, trong đó đàn bò sữa ngày càng được chú trọng và tăng trưởng nhanh chóng đạt ... con vào năm 2016); đàn lợn tăng từ 301,1 nghìn con năm 1997 lên 632 nghìn con vào năm 2016; đàn gia cầm quy mô đến 2016 đạt 9,67 triệu con tăng 2,3 lần so với năm 1997. 

Về lâm nghiệp, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch bảo tồn phát triển rừng đặc dụng tỉnh Vĩnh Phúc đến 2020,  các dự án phát triển cây ăn quả, trồng rừng sản xuất... theo các Chương trình 327, chương trình 661 của Chính phủ, diện tích đất lâm nghiệp tiếp tục được khai thác hiệu quả hơn bằng việc đầu tư các dự án phát triển cây ăn quả, trồng rừng sản xuất... góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc và tăng thu nhập cho người trồng rừng. Công tác khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt; Công tác phòng chống cháy rừng được chỉ đạo tích cực, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo thường xuyên nên chỉ xảy ra vụ cháy rừng nhỏ, thiệt hại ít.

 Đáng chú ý, ngành thủy sản cũng có tốc độ tăng trưởng cao trong vòng 20 năm qua, hình thức và đối tượng nuôi trồng thủy sản ngày càng được cải tiến và đa hạng hóa từ  hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến, nuôi ghép với đối tượng nuôi là cá truyền thống đến nay đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo hình thức bán thâm canh và thâm canh, với nhiều giống cá đa dạng cho năng suất cao như Rô phi đơn tính, cá chép lai, cá Chim trắng,... Đồng thời, phát triển nhiều điển hình thâm canh thủy sản và cải tạo vùng trũng cấy lúa vụ mùa bấp bênh sang sản xuất 1 lúa - 1 cá có hiệu quả. Giai đoạn 1997-2016 tỉnh đã thực hiện 52 dự án cải tạo vùng trũng chuyển sang nuôi trồng thủy sản với diện tích chuyển đổi 4 nghìn ha qua đó góp phần tăng diện tích nuôi thông thủy sản từ 2,7 nghìn ha năm 1997 lên đến 7 nghìn ha vào năm 2016 và sản lượng thủy sản nuôi trồng đến năm 2016 đạt 18,6 nghìn tấn, tăng 6,7 lần so với năm 1997. Sản xuất cá giống của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, đã hình thành được vùng nuôi cá giống với nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến được đưa vào sản xuất, các giống mới được đưa vào sản xuất đã góp phần đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu cá giống trong tỉnh và ngoài ra còn cung cấp cho các tỉnh xung quanh. Sản lượng cá giống đến năm 2015 đã đạt 2.569,8 triệu con, tăng 7,8 lần so với năm 1997.

Xác định xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của sự phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ trong sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, là nguyện vọng của nông dân trong tỉnh, ngay từ những năm đầu tỉnh đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các nội dung của Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới. Toàn tỉnh đã sớm hoàn thành công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 qua đó làm nền tảng cơ bản cho việc triển khai thực hiện các nội dung tiếp theo của Chương trình. 

Sau 5 năm triển khai, bộ máy chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn củng cố, hoạt động có nề nếp và hiệu quả; công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tăng cường; Công tác tuyên truyền, tập huấn về xây dựng Nông thôn mới được triển khai sâu rộng đã nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân trong tỉnh về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã ban hành được hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư đồng bộ, công khai, phân cấp rõ ràng, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, quyết liệt chỉ đạo tập trung vốn đầu tư hàng năm để hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn. Kết quả đến nay đã có 68/112 xã và 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2016 có thêm 24-28 xã đạt chuẩn nông thôn mới.


M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực