Vĩnh Phúc: Người chăn nuôi cần chủ động chống rét cho đàn vật nuôi

Thứ hai, 25/12/2017 16:37
(ĐCSVN) - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa đông năm nay có thể có những đợt rét đậm, rét hại mạnh, kéo dài so với mọi năm gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi, thủy sản.

 

Ảnh minh họa (Ảnh:K.V)


Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa đông năm nay có thể có những đợt rét đậm, rét hại mạnh, kéo dài so với mọi năm gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi, thủy sản.

Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, bảo đảm an toàn cho sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi, thủy sản nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Theo đó, UBND các huyện, thành, thị, UBND các xã, phường, thị trấn đã chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật dưới nhiều hình thức cho các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, thủy sản.

Đối với đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần chủ động chuẩn bị các điều kiện về chuồng trại, thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh để đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi. Đối với chuồng trại, tiến hành gia cố, tu sửa, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng, dự trữ chất đốt: củi, trấu... để đốt sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Sử dụng các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn để chủ động sử dụng tăng cường sức đề kháng cho gia súc, gia cầm trong những ngày giá rét.

Vĩnh Phúc còn có một số xã vùng cao có tập quán thả rông trâu, bò trong rừng, núi, đối với những địa phương này, các hộ chăn nuôi phải chủ động đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt, có che chắn để đảm bảo đủ ấm; không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do khi nhiệt độ ngoài trời dưới 120C.

Ngoài ra, cần chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh của đàn vật nuôi, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra theo đúng quy định; Thường xuyên quét dọn, vệ sinh, xử lý chất thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; Định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; Theo dõi, phát hiện kịp thời gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hoá, hô hấp.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực