Vĩnh Phúc: tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư

Thứ ba, 06/11/2018 15:29
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016-2021, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp vào cuộc, triển khai 11 giải pháp cơ bản.
Ảnh minh họa (Nguồn: N.Y)

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung cải cách thủ tục hành chính là giải pháp được triển khai quyết liệt theo hướng tiết giảm về thời gian và đơn giản về thủ tục. Các thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư được giảm thời gian giải quyết từ 30-50%. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không cần phải có văn bản xác nhận vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề; giảm thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuống dưới 3 ngày làm việc (trước đây là 5 ngày); giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh so với quy định.

Nhiều thủ tục hành chính về thuế được rà soát và cắt giảm. Cụ thể: cắt giảm số lần khai thuế giá trị gia tăng theo tháng xuống khai thuế theo quý; bãi bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra trong hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng; cắt giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng tại trụ sở người nộp thuế từ 60 ngày làm việc xuống còn 40 ngày làm việc; cắt giảm thủ tục hành chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm.

Công tác xây dựng và vận hành chính phủ điện tử, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai theo đúng kế hoạch. Các cơ chế chính sách, quy hoạch của tỉnh và thủ tục hành chính được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh phê duyệt chủ chương đầu tư dự án triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 gồm 34 dịch vụ công cấp tỉnh, 4 dịch vụ công cấp huyện và 4 dịch vụ công cấp xã để triển khai thực hiện trong năm 2017-2018. Cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp – chính quyền có gần 80.000 lượt truy cập, với 264 thành viên với 409 câu hỏi do các tổ chức, doanh nghiệp gửi đến.

Cùng với đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp là giải pháp quan trọng được các cấp, ngành quan tâm và tích cực hỗ trợ. UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khuyến khích đầu tư tại các dự án dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 45 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số biện pháp hỗ trợ đặc thù cho các hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch xây dựng các khu đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021.

Sau gần 2 năm triển khai, Nghị quyết 01 về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016-2021 bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân giai đoạn 2016 - 2017 đạt 8,14%/năm; quy mô nền kinh tế đến năm 2017 đạt 85,64 nghìn tỷ đồng, bằng 1,2 lần so với năm 2015. Thu hút đầu tư DDI đạt trên 26.000 tỷ đồng; thu hút FDI đạt 0,82 tỷ USD; số lượng doanh nghiệp dân doanh đăng ký trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là 9.105 doanh nghiệp.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, sau khi có công bố kết quả PCI năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị nghe các ngành, đơn vị liên quan báo cáo; phân tích rõ những hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chưa đảm bảo duy trì được vị trí thứ hạng từng chỉ số thành phần theo mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, kiểm điểm trách nhiệm và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 01 và phấn đấu đưa PCI của tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước với điểm số PCI tối thiểu đạt 68,8 điểm, tăng 3,9 điểm so với năm 2017, thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016-2020, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, vai trò của trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, coi đây là một trong những giải pháp chủ đạo tạo sự minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, bình đẳng. Giải quyết điểm nghẽn lớn nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tỉnh giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu để có giải pháp đột phá tạo sự thay đổi lớn để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án, rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai cho nhà đầu tư. Công khai, minh bạch các thông tin quy hoạch, các quy định pháp luật của nhà nước, đặc biệt là các thông tin doanh nghiệp quan tâm như đấu thầu, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, điện, nước, quy hoạch khu công khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch dịch vụ kèm theo các thông tin về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các chính sách như tiền thuê đất, tiền thuê hạ tầng theo quy hoạch của từng dự án. Công khai việc cho thuê đất, đấu giá đất và các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các loại hình dự án, vùng dự án theo quy định.

Tỉnh tập trung cải thiện các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp và điểm số thấp như chi phí gia nhập thị trường, chỉ số tiếp cận đất đai, các chỉ số bị tụt hạng; giao Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh duy trì việc tổ chức khảo sát, đánh giá phản hồi của doanh nghiệp đối với các cơ chế, chính sách của tỉnh, sự năng động, sáng tạo và thái độ thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và địa phương để đánh giá, xếp hạng chỉ số năng lực điều hành đối với các sở, ban, ngành của tỉnh và của UBND cấp huyện.

N.Y

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực