Vĩnh Phúc: Tích cực phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Thứ hai, 10/12/2018 15:46
(ĐCSVN) - Đến năm 2030, người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác; các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố. Môi trường đọc tiếp tục được cải thiện, hoạt động thư viện và các hoạt động khác liên quan đến văn hóa đọc có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân.

Đó là mục tiêu đưa ra của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhằm thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa (Ảnh: Nguyễn Phương)

Căn cứ quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 9125/KH-UBND nhằm thực hiện Đề án trên.

Mục đích của kế hoạch nhằm phát triển sự nghiệp văn hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thông qua phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời, định hướng đọc cho cộng đồng, không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức, văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức của nhân loại, cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng con người, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại, dựa trên nền tảng của tri thức.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2020, củng cố, kiện toàn, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Phấn đấu 25-30% người dân ở khu vực nông thôn, 20-25% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật, tủ sách Hồ Chí Minh, tủ sách nhà văn hóa, khu dân cư, nhà sách,…

Đến năm 2025, 100% thư viện cấp huyện có đủ điều kiện phục vụ người đọc và có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, xây dựng hệ thống thư viện cấp xã; 45-50% người dân ở khu vực nông thôn, 35-45% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng,…

Đến năm 2030, người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác; các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố. Môi trường đọc tiếp tục được cải thiện, hoạt động thư viện và các hoạt động khác liên quan đến văn hóa đọc có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân.

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp cần quan tâm gồm: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc. Tổ chức các câu lạc bộ, Hội sách, triển lãm sách, phố sách, tuyên truyền giới thiệu sách,…nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia đọc sách.

Xây dựng và duy trì thói quen đọc phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân, tăng cường vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tham gia đọc sách qua các hoạt động như: ngày sách Việt Nam 21/4; Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4, triễn lãm sách, phố sách,…

Huy động sự tham gia, phối hợp triển khai có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc (nhà trường, thư viện, nhà sách,…) và tăng cường vai trò của gia đình, dòng họ. Kiện toàn và nâng cao năng lực của bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện trên địa bàn toàn tỉnh.

Cùng với đó, xây dựng và phát triển hệ thống thư viện, tủ sách, rộng khắp, linh hoạt, phù hợp, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng, trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục của cộng đồng, nơi giao lưu giữa tác giả - tác phẩm và người đọc, phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.

Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của Trung ương, của tỉnh và địa phương theo cấp ngân sách, các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn huy động hợp pháp khác./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực