Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu

Thứ sáu, 26/10/2018 08:03
(ĐCSVN) - Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng từ đầu năm đến nay, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực, tiếp tục góp phần quan trọng đưa kinh tế Vĩnh Phúc trở thành một trong những địa phương đứng đầu khu vực miền Bắc và cả nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: A.N)

Theo báo cáo sơ bộ, 9 tháng đầu năm 2018, chỉ số công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc tăng gần 15,8%; giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 27.200 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, các ngành công nghiệp mũi nhọn tiếp tục có mức tăng trưởng khá cao như: Sản xuất linh kiện điện tử tăng 24,38%; sản xuất xe có động cơ tăng 24,77%; sản xuất phương tiện vận tải tăng gần 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.

UBND tỉnh đánh giá, nguyên nhân chủ yếu giúp sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kể trên là do hiệu ứng tích cực từ các chính sách, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, kết hợp với chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các biện pháp tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển như: Hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của cán bộ, công chức, đặc biệt về lề lối, tác phong, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; vận hành hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận và xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và thông báo kết quả, tiến độ cho doanh nghiệp biết, thực hiện; duy trì hoạt động tốt chương trình “Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần”; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động và tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi…

Đặc biệt, một trong những điểm nhấn quan trọng góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của tỉnh trong 9 tháng đầu năm chính là việc đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp đã được tỉnh đặc biệt quan triển khai thực hiện. Bằng những giải pháp hữu hiệu đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 18 khu công nghiệp với quy mô 5.228ha, trong đó đã có 11 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 2.323,94ha; tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng đạt 72,09%.

Đưa ra những con số cụ thể minh chứng cho thấy sự góp công không nhỏ của các khu công nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh thời gian qua, lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Cùng với việc gia tăng các dự án cấp mới, nhiều doanh nghiệp được cấp phép trước đó đã khẳng định được năng lực, tính hiệu quả, chất lượng của sản phẩm trên thị trường và không ngừng tăng quy mô, tăng vốn. Chỉ tính riêng dòng vốn FDI lũy kế đến hết tháng 9/2018, toàn tỉnh đã ghi nhận 154 lượt dự án đăng ký tăng vốn với số vốn tăng 966 triệu USD, bằng 47% số vốn đầu tư đăng ký cấp mới. Trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã chiếm 50% - 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; 60-65% giá trị kim ngạch xuất khẩu; đóng góp 30-35% tổng thu ngân sách toàn tỉnh và tạo việc làm cho trên 80.000 lao động…

Nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh, một trong những định hướng phát triển công nghiệp được Vĩnh Phúc đề ra là ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh một cách bền vững. Từ năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 39 quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh giai đoạn 2017 - 2025. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có trong danh mục các sản phẩm ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh như: Ngành điện tử, ngành sản xuất lắp ráp ô tô, ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp công nghệ cao được hỗ trợ lãi suất vay vốn thực hiện đầu tư dự án mới hoặc mở rộng dự án từ 20% quy mô trở lên; hỗ trợ 80% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng đối với doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc xác định phát triển công nghiệp đi vào chiều sâu, phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của Vĩnh Phúc sẽ trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu. Giai đoạn 2017 - 2020, đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 67.400 tỷ đồng, chiếm 38,9% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; thu hút đầu tư 30 - 35 dự án đầu tư lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh./.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực