Vĩnh Phúc: Giải quyết nhu cầu việc làm bảo đảm chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo

Thứ ba, 20/12/2016 07:31
(ĐCSVN) – Sau 20 tái lập tỉnh, công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng. Trong đó, nổi bật là công tác giảm nghèo bền vững, tăng cường phát triển hệ thống bảo hiểm, tạo việc làm cho người lao động.

T

Ảnh minh họa (Ảnh: V.H)
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, công tác giải quyết việc làm được tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện bằng nhiều hình thức và nguồn vốn khác nhau. Đặc biệt, năm 2011, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND về một số cơ chế chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo đã tạo sự thay đổi quan trọng trong dạy nghề và giải quyết việc làm của tỉnh, do đó hoạt động tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm được tăng cường, tổ chức 2 phiên/tháng tại Sàn giao dịch việc làm của tỉnh và các phiên lưu động tại các huyện, ngoài ra việc hình thành các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm của các cơ sở dạy nghề và các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh…) đã cung cấp nhiều thông tin cần thiết về thị trường lao động và mở ra cho người lao động nhiều cơ hội việc làm. Các dự án vay vốn tạo việc làm, dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm được thực hiện hiệu quả. Trong 20 năm (1997-2016), toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 400.443 lượt lao động, trong đó lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 20.438 người.

Bên cánh cạnh đó, công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đặc biệt quan tâm. Số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 9,8% năm 2000 lên 68% năm 2016. 

Đồng thời, hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng. Ngay những năm đầu sau khi tái lập UBND tỉnh, Tỉnh Uỷ, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh đã hoạch định và triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội quan trọng, huy động được nhiều nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp cho các đối tượng xã hội. Bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 300 tỷ đồng thực hiện chính sách cho các đối tượng. Chính sách đối với hộ nghèo, người nghèo được thực hiện tốt, phong trào vận động toàn dân tham gia ủng hộ quỹ ngày vì người nghèo được triển khai rộng,  tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm trên 2%, đến hết năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,89 % (theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2016-2020). Đến cuối năm 2011, tỉnh đã cơ bản xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo (theo Quyết định 167/QĐ-TTG), không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách Người có công.

Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai và thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. 100% số bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng; đã xây dựng 1.884 nhà tình nghĩa với kinh phí là 54,6 tỷ đồng và sửa chữa, nâng cấp 2.874 nhà tình nghĩa với kinh phí 26,5 tỷ đồng cho gia đình đối tượng chính sách; Tu sửa, nâng cấp 129 lượt nghĩa trang liệt sỹ với kinh phí trên 40 tỷ đồng (từ nguồn NSTW hỗ trợ); Huy động được trên 36 tỷ đồng vào xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa.   

Công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) được quan tâm thực hiện, các chế độ, chính sách BHXH, BHYT được giải quyết kịp thời, đúng định mức, đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo nhanh chóng, chính xác. Số người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT tăng qua các năm ước đến hết năm 2016 số người tham gia BHYT trên 815,5 nghìn người, đạt tỷ lệ 77,6% dân số. Các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ được tiếp tục phát triển.


M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực