Vĩnh Phúc: Hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Thứ ba, 24/10/2017 14:06
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”.
Hình ảnh ghi nhận tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 (Ảnh: H.D)

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Thông tri số 21/TTr-TU ngày 05/7/2013 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị; sau khi lớp cán bộ chủ chốt cấp tỉnh được tổ chức, các huyện, thành, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc đã tổ chức học tập cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện (tương đương) và cơ sở. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt 100%, qua học tập, quán triệt đã làm chuyển biến nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên (nhất là đội ngũ làm công tác lãnh đạo) và cả hệ thống chính trị về quan điểm của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em được nâng lên

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị các chương trình chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Đến nay 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tình hình về sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em được cải thiện đáng kể, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm rõ rệt, từ 14,8% năm 2011 xuống còn còn 9,8% vào năm 2016; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và 5 tuổi thực hiện đều vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

Tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu chăm sóc, phòng, chống suy dinh dưỡng, kết quả vào cuối năm 2016 tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: thể nhẹ cân giảm còn 9,5%, thể thấp còi giảm còn 13,0%; tỷ lệ trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định đạt trên 99,57%; công tác tiêm chủng mở rộng của tỉnh thực hiện tốt và đúng quy định, từ đó trẻ em ngày càng được tiếp cận với nhiều loại vắcxin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng (viêm não Nhật Bản, viêm gan siêu vi B, Rubella…), có 98,8% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, hầu hết các em trong độ tuổi đều được uống Vitamin A.

Chương trình giáo dục trẻ em luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được đến trường, bảo đảm thực hiện tốt quyền được học tập, chăm sóc, và hưởng các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định. Năm 2016, Vĩnh Phúc đạt phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi với tỷ lệ là 99,9% và phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 với tỷ lệ là 100%. Như vậy, gần như 100% trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và trẻ 6 tuổi ra lớp. Tỷ lệ trẻ em từ 3-5 tuổi ra lớp mẫu giáo tăng từ 98,3% năm 2012 lên 99,98% năm 2016; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện được đi học tăng từ 95,2% năm 2012 lên 98,2% năm 2016. Việc xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện được đẩy mạnh. Tỷ lệ bỏ học ở các cấp học giảm; chất lượng học tập được duy trì; cơ sở vật chất trường học được đầu tư nâng cấp.

Trong 5 năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành tổ chức phẫu thuật miễn phí cho trên 300 em bị bệnh tim bẩm sinh, gần 500 em dị tật về mắt, sứt môi hở hàm ếch, trẻ em bị khuyết tật về vận động; tổ chức khám sàng lọc, tư vấn, chỉ định phẫu thuật, phục hồi chức năng, cấp thuốc miễn phí cho 101.015 nghìn trẻ em ở vùng miền núi, khó khăn; cấp trên 400 dụng cụ chỉnh hình; trao tặng hàng nghìn xe đạp miễn phí; xây dựng gần 40 nhà tình thương, gần 50 công trình nước sạch cho các nhà trường; trao tặng 4.850 suất học bổng; thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ tết, tặng đồ dùng học tập cho 13.679 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn…Vận động và lập hồ sơ trợ giúp 83 trẻ em lang thang, trẻ em lao động nặng nhọc hồi gia trở về gia đình, 294 trẻ em có nguy cơ lang thang. Số trẻ em lang thang trên địa bàn tỉnh giảm (năm 2011 có 83 em, năm 2012 có 34 em, năm 2014 có 12 em, năm 2015, 2016 không có tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống). Số trẻ em lang thang, lao động nặng nhọc hồi gia trở về gia đình được trợ giúp bằng nhiều hình thức và đã ổn định cuộc sống không còn tình trạng trẻ em tái lang thang.

Công tác tuyên truyền, phối hợp thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW được triển khai sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đã tổ chức 5 hội nghị bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ huyện đến cơ sở; tổ chức 22 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho trưởng các thôn, khu hành chính; 35 lớp tập huấn kiến thức kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cán bộ giáo viên, 45 lớp truyền thông nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình cho học sinh các trường Tiểu học và Trung học cơ sở; hơn 20.000 tin, bài, ảnh tuyên truyền; 266 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động về các thôn, bản, khu hành chính cho 9.513 lượt người tham gia, trong đó có trẻ em; thực hiện 06 chuyên đề pháp luật về quyền và nghĩa vụ của trẻ em tại 06 xã vùng đồng bào dân tộc và miền núi với sự tham gia của 600 người; trợ giúp pháp lý cho 435 trẻ em dưới 16 tuổi...

Tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được đẩy mạnh. Tại chương trình hành động vì trẻ em Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, tỉnh cũng trích ngân sách chi thực hiện các mục tiêu vì trẻ em của tỉnh mỗi năm là 11 tỷ đồng, trong đó: trích Quỹ Bảo trợ trẻ em 5 tỷ; trích 400 triệu đồng/năm cho cấp huyện; 50 triệu đồng/năm cho cấp xã. Hằng năm, ngoài nguồn ngân sách tỉnh chi thực hiện các mục tiêu chương trình vì trẻ em thì Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động trên 6 tỷ đồng/năm để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn: tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em lang thang, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước có xu hướng gia tăng. Qũy đất xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em còn bất cập.

Cần thực hiện tốt các giải pháp để phát huy hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả hơn nữa, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, các cấp uỷ Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; tập trung nguồn lực thực hiện các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong các Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc hàng năm và đến năm 2020.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực để mọi người dân thấy được tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Kịp thời tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt.

Ba là, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên thôn, tổ dân phố. Kịp thời cập nhật biến động về trẻ em trên địa bàn.

Bốn là, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tăng cường quản lý nhà nước, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính để thực hiện chương trình, lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với việc xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, ngược đãi và buôn bán trẻ em.

Xác định công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới đây, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh./.

Hải Duyên
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực