Vĩnh Phúc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa mới

Thứ ba, 29/01/2019 16:02
(ĐCSVN) - Theo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, trong những năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh, văn hoá mới ở Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, dưới tác động mặt trái của kinh tế thị trường đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và việc mừng thọ.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, những năm gần đây, các đám cưới ở xã Quang Sơn (Lập Thạch) được thực hiện theo nếp sống mới (Ảnh: Trà Hương)

Cũng theo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII); Chỉ thị số 03/CT-TU ngày 18/2/1998 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc thực hiện nếp sống văn minh, làm lành mạnh việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, kỷ niệm ngày truyền thống; Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 18/10/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức các ngày kỷ niệm, không uống rượu, bia trong ngày làm việc và không hút thuốc lá nơi công sở…. cơ bản được thực hiện nghiêm túc ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Hầu hết các đám cưới đã được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình; Các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản đã được loại bỏ như: không để quàn linh cữu tại nhà quá 48 giờ; không cử nhạc tang quá giờ quy định. Việc quy hoạch, quản lý và đầu tư nâng cấp chỉnh trang nghĩa trang được nhiều địa phương quan tâm đầu tư, việc chôn cất tại nghĩa trang nhân dân được thực hiện theo đúng theo quy định của UBND tỉnh; Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội quản lý, hướng dẫn và tổ chức hoạt động lễ hội truyền thống hàng năm đảm bảo đúng nghi lễ, hình thức phù hợp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống.

Tuy nhiên, thời gian gần đây việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở một số cấp ủy Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Trong việc cưới còn mời nhiều khách tràn lan, kéo dài ngày và tổ chức ăn uống linh đình trong đám cưới vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, đơn vị. Trong tổ chức đám cưới còn tình trạng mở loa đài công suất lớn, quá giờ quy định ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư; ở thành phố, đô thị còn tình trạng bắc rạp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân, gây cản trở giao thông. Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa thực sự gương mẫu, tổ chức đám cưới của bản thân hoặc của các con còn mời khách tràn lan, tổ chức ăn uống nhiều ngày, đặt cỗ tại các nhà hàng, khách sạn phô trương, lãng phí, gây dư luận không tốt trong nhân dân; Đối với việc tang, thời gian phúng viếng ở một số đám tang còn kéo dài, vẫn còn một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong việc tang chưa được loại bỏ hoàn toàn như việc rải tiền Việt nam đồng, rải nhiều vàng mã trên đường đưa tang gây lãng phí và ô nhiễm môi trường… Việc thực hiện vòng hoa luân chuyển trong một số đám tang của thân nhân cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý vẫn chưa được thực hiện triệt để. Vẫn còn tình trạng sắp cỗ mời khách ăn uống trong dịp mừng thọ; giỗ đầu, giỗ hết, cải táng; Việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như: trách nhiệm của người quản lý và ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến thái độ và hành vi ứng xử chưa văn hóa; xuất hiện các hiện tượng tiêu cực như: mê tín dị đoan, xâm phạm cảnh quan môi trường, thương mại hóa lễ hội...

Nhằm hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người có lối sống lạnh mạnh, nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật, tôn trọng quy ước của cộng đồng, chăm lo xây dựng cộng đồng; trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 18/10/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…

Về việc cưới, đảm bảo các tiêu chí “Trang trọng - Vui tươi - Lành mạnh -Tiết kiệm”; tiến hành xây dựng những mô hình cưới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ văn hóa, tập quán của nhân dân, có thể áp dụng phổ biến cho từng khu vực (đô thị, nông thôn, miền núi), từng đối tượng (nông dân, cán bộ, công nhân...). Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp vận động kết hợp tham mưu, ban hành các quy định nhằm ngăn ngừa các hiện tượng tổ chức cưới không lành mạnh, trái quy định dưới mọi hình thức. Tổ chức một số đám cưới tập thể trong khả năng cho phép gắn liền với những sự kiện văn hóa, xã hội tiêu biểu ...

Về việc tang, đảm bảo “Trang nghiêm - Tiết kiệm - Nghĩa tình”; hạn chế những lãng phí trong việc tổ chức tang lễ (dùng quá nhiều vòng hoa, sử dụng nhiều xe đưa tang...), xóa dần những hủ tục còn tồn tại, đặc biệt ở các vùng nông thôn (Tổ chức ăn uống nhiều ngày, chơi cờ bạc, xem giờ đưa tang...); không thuê nhạc hiếu quá mức cần thiết...; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện việc hỏa táng. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ các gia đình có người hỏa táng khi qua đời.

Về lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo: Tôn trọng, đảm bảo các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo bình thường của mọi công dân trên địa bàn Tỉnh. Tổ chức lễ hội theo đúng quy định của Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Hạn chế việc mở rộng quy mô, nâng tần xuất tổ chức lễ hội, tránh những hoạt động làm sai lệch nội dung, bản chất, ý nghĩa lễ hội; ngăn ngừa sự du nhập và hình thành những thói quen, tập tục xa lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc...

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong thời kỳ mới, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển văn hóa, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa ở cơ sở. Tiếp tục tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa và và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tập trung vào một số hình thức cụ thể như: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Tiếp nhận, áp dụng các hình thức tuyên truyền mới, có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Sử dụng có hiệu quả mạng lưới đài truyền thanh các cấp; tăng thời lượng tin, bài và các nội dung liên quan đến việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Triển khai xây dựng bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng; lồng ghép tuyên truyền nội dung của quy tắc trong các buổi tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đưa nội dung bộ quy tắc ứng xử vào quy ước làng, thôn, tổ dân phố văn hóa.

Tập trung tuyên truyền, giáo dục cho mỗi công dân nhận thức và hành động theo các tiêu chí thanh lịch, văn minh, có ý thức tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống, khẳng định những giá trị mới, có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa, thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi lĩnh vực đời sống hàng ngày. Chống lại các hành vi nói tục, chửi bậy, lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ.

Phối hợp chặt chẽ cơ quan trung ương, các địa phương trong cả nước làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc hoặc tới Vĩnh Phúc công tác, tham quan, du lịch chấp hành các quy định về nếp sống văn hóa.

Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá. Việc thực hiện các tiêu chí danh hiệu văn hóa trên địa bàn Tỉnh đã và đang phát huy tác dụng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cần được tiếp tục hoàn thiện, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, thực sự là các điển hình văn hóa; cần có sự kiểm tra, giám sát trong quy trình bình xét, công nhận các danh hiệu nhằm nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Có những điều chỉnh về tiêu chí bình xét, công nhận cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trong thời kỳ mới. Quy hoạch, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở làm tiền đề cho việc xây dựng và giữ vững các danh hiệu văn hóa ở địa phương.

Về nguồn lực, hàng năm, các địa phương giành một phần khả năng ngân sách và các nguồn xã hội hóa đầu tư hỗ trợ trang thiết bị cho các hoạt động văn hóa, thể thao tại các thiết chế văn hóa cơ sở.

Ngoài các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành huy động các nguồn xã hội hóa vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa (Nhà Văn hóa, sân thể thao, thư viện, tủ sách pháp luật, các trang thiết bị nhà văn hóa...). tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng ở cơ sở, đặc biệt là ở những khu vực gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, chính quyền chăm lo trợ giúp cho nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở xã hội hóa về lĩnh vực văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí ở làng, thôn, tổ dân phố. Phát động rộng rãi các mô hình tổ chức, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp điều kiện sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa người dân ở các địa phương. Tổ chức tốt các hội nghị, hội thảo tập huấn, nghiên cứu khoa học trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Phát động phong trào thi đua, tổ chức các hội thi để thu hút mọi lực lượng trong xã hội tham gia thực hiện các nội dung phong trào. Công nhận các danh hiệu theo đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đã quy định. Tiến hành sơ kết, tổng kết theo từng thời kỳ; tổ chức tọa đàm, hội thảo, tập huấn, tham quan để rút kinh nghiệm và tìm các biện pháp triển khai cho thời gian kế tiếp. Biểu dương khen thưởng xứng đáng các gương điển hình xuất hiện trong quá trình triển khai, đồng thời phê phán các biểu hiện gây tác động tiêu cực, xây dựng các chế tài xử lý những cá nhân, tập thể không thực hiện nghiêm túc.

Hàng năm, tiến hành kiểm tra một số đơn vị cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhằm điều chỉnh các hoạt động chỉ đạo của Ban chỉ đạo và đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện ở các địa phương, đơn vị…

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực