Vì tương lai giống nòi, đẩy lùi thực phẩm bẩn!

Thứ hai, 09/05/2016 11:12
(ĐSVN) - Có thể nói, chưa bao giờ tình trạng gia tăng thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc lại trở thành “vấn nạn”, nỗi lo chung của toàn xã hội như hiện nay. Với 0,36 giây tìm kiếm trên Google, chúng ta sẽ nhận được khoảng hơn 484.000 đáp án liên quan đến “thực phẩm bẩn” với hàng loạt những vụ việc vi phạm ở các mức độ khác nhau.


Thực phẩm bẩn tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. (Nguồn VTC)

Thực tế, những lo lắng của dư luận hoàn toàn có cơ sở, bởi sử dụng thực phẩm là nhu cầu không thể thiếu của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn xã hội. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa thì nguồn cung các loại thực phẩm trên thị trường ngày càng phong phú. Điều đó đồng thời cũng chính là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ trở thành nạn nhân của thực phẩm bẩn nếu người tiêu dùng thiếu hiểu biết và người sản xuất, nhà kinh doanh thiếu lương tâm, chỉ chạy theo lợi nhuận.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Công thương, tính riêng trong quý I năm 2016 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 4.076 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 9,3 tỷ đồng. Trong đó, các vi phạm phổ biến thường gặp đó là thực phẩm bẩn nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm kinh doanh, sử dụng hóa chất, phụ gia cấm trong sản xuất và chế biến… Rõ ràng, đại biểu Trần Ngọc Vinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã hoàn toàn có lý khi cho rằng: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế!”.

Dư luận cả nước đã từng rúng động trước hàng loạt vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến thực phẩm bẩn như: Sử dụng chất nhuộm vải công nghiệp gây ung thư để nhuộm ruốc tôm; “phù phép” thịt lợn thành thịt bò; khô bò làm từ phổi lợn trộn hóa chất; măng ngâm hóa chất bảo quản gây ung thư cho người sử dụng… Gần đây nhất, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa mới bắt giữ xe ô tô chở 21 tấn mực khô đã bốc mùi hôi thối. Đây được ghi nhận là vụ vận chuyển thực phẩm bẩn lớn nhất từ trước đến nay bị bắt giữ tại Thanh Hóa.

Đương nhiên, nếu “qua mặt” được cơ quan chức năng thì số mực hôi thối đó, sau khi qua bàn tay “ma thuật” của người chế biến, kết hợp với hàng loạt hóa chất như: Chất khử mùi, chất tẩy trắng… sẽ lại đường hoàng đi vào bữa ăn của hàng nghìn, hàng vạn thực khách. Điều gì sẽ đến sau đó, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết...

Công bằng mà nói, đằng sau con số hơn 4.000 vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm bị xử lý trong 3 tháng đầu năm 2016 là tâm trạng mừng, lo lẫn lộn của người tiêu dùng. Mừng vì đó là kết quả từ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, ban, ngành trong cuộc chiến chống lại thực phẩm bẩn. Mừng vì cuối cùng những lời hứa, những phát ngôn “ấn tượng” của những người có trách nhiệm cũng đã được thực hiện phần nào… Song, cũng lo nếu như không muốn nói là rất lo bởi tình trạng gia tăng của các vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm cả về số lượng và tính chất, mức độ vi phạm. Đồng thời, điều đó cũng chỉ ra rằng, để đấu tranh có hiệu quả với việc sản xuất, chế biến, buôn bán các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc thì cần sự chung tay góp sức nhiều hơn nữa của các cơ quan chức năng, các ban, ngành và địa phương.

Ở đây, xin được nêu một số ý kiến góp phần ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn trên cơ sở tiếp cận dưới góc độ quan hệ kinh tế cung - cầu. Với tính cách là một “mặt hàng”, thực phẩm bẩn cũng như tất cả các sản phẩm buôn bán khác luôn chịu sự chi phối của quy luật cung - cầu. Trong đó, “cung” là hoạt động (vi phạm pháp luật) của các cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm “đẩy” ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ để nhằm mục đích là thu về lợi nhuận cao nhất. Thực tế thì họ có biết những quy định của pháp luật liên quan đến việc làm của mình không? Câu trả lời là "Có", song do lợi nhuận thu được từ việc buôn bán, sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn quá lớn nên sẵn sàng chấp nhận bị phạt bởi chỉ cần một phi vụ “trót lọt” thì số tiền thu về có khi còn gấp hàng chục lần số tiền bị phạt.

Vì vậy, cùng với công tác tuyên truyền giáo dục, cần có sự điều chỉnh những quy định của pháp luật theo hướng tăng mức hình phạt đối với các hành vi kinh doanh, chế biến thực phẩm bẩn, qua đó nâng cao tính răn đe; đồng thời, cần công khai trong xử lý các vụ việc vi phạm, phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền các vấn đề liên quan đến thực phẩm bẩn. Có như vậy, mới từng bước hạn chế nguồn “cung” loại “mặt hàng” nguy hiểm này.

Bên cạnh đó, trong quy luật kinh tế, cung luôn đi liền với cầu. có cầu ắt có cung”. “Cầu” ở đây chính là nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Trước mỗi mặt hàng thực phẩm, người tiêu dùng có thể biết hoặc không biết đó là thực phẩm bẩn, nhưng do nhiều nguyên nhân như: Nhận thức, điều kiện kinh tế… nên không ít người vẫn “nhắm mắt” sử dụng mà không biết mình đang đứng trước mối nguy hiểm lớn về sức khỏe cũng như gián tiếp tiếp tay cho các hành vi buôn bán thực phẩm bẩn. Vậy nên, mỗi người tiêu dùng trước hết hãy có trách nhiệm mỗi khi mua, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm. Đó là trách nhiệm với sức khỏe bản thân, gia đình và trách nhiệm trong chung tay ngăn chặn thực phẩm bẩn. 

Tin tưởng, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, thời gian tới, tình trạng chế biến, sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ sớm được ngăn chặn, và thực phẩm bẩn sẽ không còn là nỗi lo thường trực của mọi người, mọi nhà.

Đẩy lùi thực phẩm bẩn vì sức khỏe của người tiêu dùng và vì tương lai giống nòi, dân tộc!

Quang Đạo (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực