Bắc Kạn nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai

Thứ tư, 25/04/2018 22:46
(ĐCSVN) - Chưa khắc phục xong hậu quả nặng nề của trận mưa đá ngày 18/3, người dân tỉnh Bắc Kạn lại tiếp tục gánh chịu đợt thiên tai mới với sự tàn phá của trận mưa đá lịch sử đêm 14/4.

“Màn trời chiếu đất” chỉ sau 1 đêm

Những ngày qua, sự tàn phá và thiệt hại do mưa đá gây ra tại tỉnh Bắc Kạn đêm 14/4/2018 đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng khi đặt chân đến Pác Nặm, huyện bị mưa đá tàn phá nặng nề nhất, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước những gì thiên tai để lại sau cơn càn quét.

Tại xã Xuân La, ruộng vườn, nhà cửa tan hoang. Nhiều người dân cho biết đến tận bây giờ vẫn không thể ngờ rằng, chỉ sau một đêm họ đã rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất". Ông Hoàng Chí Thừa (thôn Thôm Mèo) nhớ lại: Lúc 18 giờ ngày 14/4, cả thôn vẫn đang sinh hoạt bình thường. Đến hơn 20 giờ bỗng gió lớn, mưa đá trút xuống ào ào làm cả mái ngói vỡ vụn. Gia đình ông không kịp thu dọn đồ đạc, chỉ vội vàng chạy tìm nơi trú ẩn. Hàng xóm của ông, gia đình bà Cà Thị Mần có ngôi nhà mới hoàn thành chưa được 1 năm, cũng bị tốc mái hoàn toàn và đổ hết các bức tường; thóc, gạo gia đình dự trữ trong các bao tải cũng bị ướt hết…

Tại xã Nghiên Loan, cây cối vẫn đang đổ ngổn ngang. Chị Phùng Mùi Khe, trú thôn Khuổi Phay chia sẻ: Cơn mưa đá dữ dội đã làm cho nhà chị bị đổ, mái ngói vỡ hết, hiện gia đình phải dùng vải bạt che tạm...

Chia sẻ về những thiệt hại do mưa đá gây ra, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Vi Duy Tuyến cho biết: Xuân La, Nghiên Loan là 2 trong 7 xã bị thiệt hại nặng nhất trên toàn huyện. Đây là thảm họa lớn nhất mà địa phương phải gánh chịu kể từ khi thành lập huyện. Chỉ sau 1 đêm mưa đá và gió lốc, đã có hơn 1.200 hộ dân bị thiệt hại. Ngoài thiệt hại về nhà cửa, mưa đá đã làm dập nát phần lớn diện tích hoa màu, khoảng 70ha mận chín sớm đang vào vụ thu hoạch bị rụng quả; các vườn ươm cây lâm nghiệp đến thời kỳ xuất vườn cũng bị hư hỏng nặng...

Trận mưa đá lịch sử không chỉ tàn phá Pác Nặm mà còn khiến một số xã tại huyện Ba Bể và huyện Chợ Đồn bị thiệt hại khá nặng nề, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt. Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn Lý Thái Hải cho biết: Tính đến thời điểm này, có hơn 1.374 nhà dân bị hư hại, tốc mái, vỡ ngói, trong đó: Pác Nặm 1.238 nhà, Ba Bể 136 nhà... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 55 tỷ đồng.

 

Bà con giúp nhau lợp lại mái nhà sau mưa đá. (Ảnh: Hải Phong)

Với địa hình bị chi phối bởi đồi núi, mưa dông, gió lốc gần như đã trở nên quen thuộc với bà con nơi đây. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Bắc Kạn bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Chưa khắc phục xong hậu quả nặng nề của trận mưa đá ngày 18/3/2018, người dân tỉnh Bắc Kạn lại tiếp tục gánh chịu đợt thiên tai mới với sự tàn phá của trận mưa đá lịch sử đêm 14/4/2018. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân mà còn gây khó khăn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của toàn tỉnh. Với Pác Nặm, từ năm 2012 có tỷ lệ hộ nghèo hơn 70%, sau cả quá trình nỗ lực vươn lên, đến cuối năm 2017 tỷ lệ nghèo giảm còn 40%, diện mạo nông thôn đã nhiều khởi sắc, đời sống của bà con không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, sau trận thiên tai bất ngờ ập xuống vào đêm 14/4, đã khiến cho những thành quả của các địa phương bị ảnh hưởng và nhiều hộ dân đang đối diện với nguy cơ tái nghèo trở lại.

“Chung tay vượt khó” theo phương châm 4 tại chỗ

Gần một tuần sau trận mưa đá lịch sử, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân vẫn bị ảnh hưởng và hết sức khó khăn. Hiện Đảng ủy, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh Bắc Kạn đang dồn sức khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cho bà con.

Đồng chí Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết: Ngay sau mưa đá, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn đã điều động 100 cán bộ chiến sỹ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh cứu trợ. Huyện Pác Nặm cũng huy động hơn 1.000 người tham gia cứu trợ; cấp phát 40.600m2 vải bạt giúp bà con khắc phục. ‘‘Tỉnh tập trung khắc phục hậu quả theo phương châm 4 tại chỗ; không để bất cứ một người dân nào phải chịu cảnh màn trời chiếu đất hay thiếu đói. Đồng thời, tỉnh có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh khắc phục thiệt hại’’ - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Du nhấn mạnh.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đã trích ngân sách 5,6 tỷ đồng đợt 1 để hỗ trợ cho địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất; hỗ trợ mỗi gia đình bị thiệt hại về nhà cửa 13 triệu đồng. Những ngày qua, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị kịp thời ứng cứu cho bà con chịu ảnh hưởng của mưa đá. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện Pác Nặm, Ba Bể tập trung huy động lực lượng giúp dân sửa chữa nhà cửa, thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh bùng phát và nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp; thống kê chính xác tình hình thiệt hại để thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời, công khai, minh bạch.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Văn Du thăm hỏi các hộ dân bị thiệt hại sau mưa đá.

Đến Bắc Kạn những ngày này có thể bắt gặp hình ảnh cán bộ địa phương, chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân lăn lộn trong bùn đất cùng bà con dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả của trận mưa đá lịch sử. Cùng với những chính sách hỗ trợ được các cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời thực hiện, các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ngay sau khi nhận được thông tin cũng đã trực tiếp về Bắc Kạn trao những túi quà ân tình cho bà con… Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn, rất nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức quyên góp mỗi người ít nhất 1 ngày lương ủng hộ khắc phục hậu quả do mưa đá gây ra./.

Nguyễn Ánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực