Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năng suất lao động có thể cần phải tính toán lại

Thứ bảy, 26/05/2018 18:33
(ĐCSVN) – “Chúng ta chưa tính hết kinh tế ngầm, hay nói cách khác là chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức, nếu làm được điều này, chúng tôi tin rằng năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. (Ảnh: MD)

Sáng 26/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có phần trình bày, giải đáp, làm rõ thêm những vấn đề của các Đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, chúng ta tập trung giải quyết việc làm trong nước đạt 1.639.751 người, đạt 102% kế hoạch. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 134.000 đạt 128%. Lao động Việt Nam thời gian qua có nhiều tiến bộ, chuyển dịch lao động theo hướng tích cực hơn, hết tháng 4 năm 2018, lao động khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 38,6%. Số lao động làm việc làm công ăn lương có quan hệ lao động tăng dần, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị thấp hơn so với chỉ tiêu.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể cho thấy, tính bền vững của việc làm không cao, kể cả về thu nhập, môi trường lao động an toàn, nới dỡ các chính sách an sinh xã hội, thị trường lao động chưa hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỉ lệ cao, thiếu 2 nguồn nhân lực quan trọng là nhân lực quản lý và nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành kinh tế động lực.

Việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường còn khó khăn, thất nghiệp tỷ lệ cao, hiện nay bình quân là khoảng trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Riêng năm 2017, thanh niên thất nghiệp là 7,51% tăng so với năm 2016.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, năng suất lao động có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp. “Năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 93,2 triệu đồng/lao động. Nếu tính theo giá hiện hành, năng suất lao động tăng 6,6%, thuộc nhóm nước có tốc độ cao. Nhưng bình quân 10 năm chỉ tăng 4,4%”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Các chuyên gia cho rằng chúng ta áp dụng phương pháp tính chung phù hợp với xu hướng quốc tế, song qua trao đổi thấy rằng, năng suất lao động của chúng ta có thể cần phải tính toán lại một cách cụ thể. Chúng ta chưa tính hết kinh tế ngầm, hay nói cách khác là chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức, nếu làm được điều này, chúng tôi tin rằng năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này.

Bộ trưởng cũng cho biết, năm 2018, ngành lao động, thương binh và xã hội đã chọn giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá để tạo việc làm ổn định và bền vững. Đến nay, đã giảm được 252 trung tâm các huyện, giảm 35 trường cao đẳng và công lập hoạt động không có hiệu quả. Thời gian tới đây sẽ giảm tiếp những trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không hiệu quả, hoạt động không đảm bảo...

Đặc biệt, Bộ sẽ chuyển hẳn sang đào tạo theo định hướng, theo địa chỉ, theo đặt hàng với cơ sở trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường. Bộ trưởng thông tin: “Riêng quý I năm 2018, chúng tôi thí điểm 10 trường ký kết với 15 tập đoàn trong nước và quốc tế đã xác định đào tạo theo địa chỉ là 150.000 người trong 3 năm 2018-2020”.

Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung sớm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 27 về cải cách tiền lương, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp để thúc đẩy năng suất lao động. Đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nhằm thúc đẩy an sinh xã hội…/.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực