Cần Thơ: Bệnh tay chân miệng tăng đột biến

Thứ hai, 15/10/2018 11:23
(ĐCSVN) - Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP. Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, Thành phố có 690 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, tháng 9, bệnh tay chân miệng tăng đột biến với 280 ca, trong khi tháng 8 chỉ có 109 ca.
Điều trị bệnh nhi bị tay chân miệng tại TP. Cần Thơ. (Nguồn: TTXVN)

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ, những ngày này có khoảng trên 200 bệnh nhi đang điều trị, trong đó có trên 160 ca bệnh tay chân miệng. Ngoài ra, lượng bệnh tay chân miệng điều trị ngoại trú hàng ngày dao động khoảng 200 bệnh nhi/ngày. Tại tất cả 9 quận, huyện của TP. Cần Thơ đều có xu hướng tăng số ca mắc tay chân miệng, bởi đây là mùa cao điểm của bệnh này. Hiện 3/9 quận, huyện như: Bình Thủy, Cái Răng và huyện Vĩnh Thạnh là các địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng mạnh nhất.

Cũng từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh tay chân miệng tăng nhanh, không chỉ ở TP. Cần Thơ mà còn ở các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chính vì vậy  Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ và các cơ sở y tế khác đã lâm vào tình trạng quá tải.

Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ cho biết, do năm nào vào mùa này, bệnh tay chân miệng cũng có xu hướng tăng nên Bệnh viện đã có sự chuẩn bị trang thiết bị, thuốc điều trị... đảm bảo nhu cầu phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên do tình hình số lượng bệnh nhập viện tăng đột biến nên nhân viên y tế đã phải nỗ lực hết mình để làm việc, phục vụ công tác phòng chống bệnh. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, Bệnh viện cũng đã phải điều động thêm giường tại các khoa có ít bệnh nhi, kê thêm ngoài hành lang. Thậm chí phải chuyển bệnh sang nằm tạm tại khoa khác.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ, đa số ca tay chân miệng xét nghiệm năm nay mắc chủng virus EV71. Tại bệnh viện có nhiều trường hợp chuyển độ nhanh và đột ngột. Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ có thể chuyển từ độ 1 sang độ 4. Theo Sở Y tế TP. Cần Thơ, khác với mọi năm, bệnh tập trung chủ yếu ở trẻ từ 3 đến 5 tuổi, riêng năm 2018, bệnh tay chân miệng lại xuất hiện nhiều ở trẻ từ 1 đến 2 tuổi và chiếm đến 95,4% số ca mắc bệnh được ghi nhận. Thống kê của Sở Y tế TP. Cần Thơ, trong trên 600 ca bệnh được ghi nhận, trẻ 1 tuổi mắc bệnh là 495 ca, và trẻ 2 tuổi mắc bệnh là 117 ca. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra.

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ khuyến cáo, hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin bảo vệ. Khi mắc bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, nên chẳng may trẻ nhiễm chủng vi rút có độc lực cao thì rất nguy hiểm. Nguyên nhân nữa là gia đình chưa theo dõi sát, chủ quan, đưa trẻ đến bệnh viện trễ. Ngoài ra, nhiều gia đình chưa có niềm tin với y tế cơ sở, xin chuyển viện lên tuyến trên hoặc lén trốn lên tuyến trên. Nếu chuyển viện trong tình trạng bệnh nhi mệt, sốc thì bệnh nặng hơn, rất nguy hiểm tính mạng. Vì thế, gia đình nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu chuyển viện, cần chuyển bằng xe của bệnh viện, có nhân viên y tế, thuốc, dụng cụ hỗ trợ để đảm bảo an toàn trên đường chuyển viện.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan, nhất là trong nhà trường. Do đó, nhà trường nên kiểm tra các cháu đầu giờ học, khi có dấu hiệu nghi ngờ cần liên hệ với phụ huynh đón trẻ về đi khám ngay. Các thầy, cô thường xuyên vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, đồ dùng của trẻ bằng chất sát khuẩn. Khi có ca bệnh xảy ra, phải tổng vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, đồ dùng… của trẻ bằng nước pha cloramin B. Hằng ngày, khi có trẻ nghỉ học, nhà trường cần nhanh chóng liên hệ phụ huynh xem trẻ nghỉ học vì bệnh gì. Cuối ngày, khi phụ huynh đón trẻ, nhà trường nên phát loa tuyên truyền cho phụ huynh về căn bệnh này.

Trước dấu hiệu gia tăng của bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh này. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội./.

K.V(TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực