Chính sách bảo hiểm y tế mới bảo đảm quyền lợi cho người khám chữa bệnh

Thứ sáu, 07/12/2018 11:45
(ĐCSVN) - Từ ngày 1/12/2018, nhiều điểm mới trong chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức áp dụng, nhất là về nội dung mức hưởng và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế.

Để hiểu rõ hơn về những chính sách mới này, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những điểm mới căn bản trong chính sách BHYT từ ngày 1/12/2018, nhất là về nội dung mức hưởng và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT với người tham gia?

Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Nghị định 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1-12-2018, thay thế Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15-11-2014 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24-11-2014. Nghị định có một số điểm mới cần lưu ý, như bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT; quy định tham gia theo hộ gia đình; bỏ quy định giao quỹ khám, chữa bệnh (KCB) cho cơ sở KCB (kể cả trạm y tế xã). Thay vào đó là giao tổng mức thanh toán; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về thanh toán chi phí KCB; quy định cụ thể hơn về Hợp đồng KCB BHYT …

Trong đó, có một số nội dung mới có liên quan đến mức hưởng và thanh toán chi phí KCB. Cụ thể như:

Thứ nhất, điều chỉnh tăng mức hưởng BHYT của một số đối tượng.

Đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: trước đây quy định mức hưởng 100%, có áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế (VTYT) và dịch vụ kỹ thuật (DVKT), theo quy định mới mức hưởng vẫn là 100% nhưng không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán.

Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng: tăng từ 80% lên 100%.

Thứ hai, về thanh toán chi phí KCB BHYT, có một số điểm quy định mới đối với các trường hợp:

Cụ thể, trường hợp người bệnh được cơ sở KCB tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở KCB ở tuyến xã thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm theo quy định (theo hướng dẫn của Bộ Y tế). Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân đi lại khó khăn được đi khám, chữa bệnh tại nơi gần chỗ cư trú, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Bên cạnh đó, Quỹ BHYT sẽ thanh toán trong trường hợp cơ sở KCB gửi mẫu bệnh phẩm, chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (theo nguyên tắc và Danh mục do Bộ Y tế quy định). Điều này có nghĩa, bệnh nhân có thể được cơ sở KCB đang điều trị gửi mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân tới nơi khác mà vẫn được thanh toán BHYT.

Ngoài ra, người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú, nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng. Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian điều trị tại cơ sở KCB.

Thêm nữa, người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở KCB khác, thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo như đi trái tuyến, trừ các trường hợp cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở KCB, tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB.

Với quy định về thanh toán trực tiếp thì người có thẻ BHYT đi KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện không ký KCB BHYT hoặc điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến T.Ư không ký hợp đồng KCB BHYT hoặc tại cơ sở đăng ký KCB ban đầu nhưng không xuất trình thẻ BHYT (hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh): người bệnh được quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện nơi người bệnh đến KCB.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại bệnh viện Lão khoa Trung ương.
(Ảnh minh họa: ĐT)

PV: Ông có thể cho biết thêm về thông tin thời gian gia hạn BHYT đã linh hoạt hơn như thế nào?

Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Quy định mới cho phép người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì vẫn được thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng. Cơ quan BHXH có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở KCB. 

PV: Quy định mới trong Nghị định 146 có thay đổi gì liên quan quyền lợi bệnh nhân BHYT khi đi KCB tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT, hoặc KCB không đúng tuyến?

Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở KCB khác thì quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB như đi KCB trái tuyến, trừ các trường hợp: cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở KCB; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB. Như vậy, để được hưởng đúng đủ quyền lợi BHYT, người tham gia BHYT nên đi KCB BHYT tại cơ sở đang ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

Đối với các trường hợp đi KCB tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT hoặc KCB không đủ thủ tục thì được thanh toán theo tỷ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện nơi người bệnh đến KCB, thay vì quy định số tiền cụ thể như hiện nay.

Cụ thể như sau:

Một là, đối với cơ sở KCB không ký hợp đồng, mức thanh toán như sau:

+ Ngoại trú tại cơ sở KCB tuyến huyện: tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở (lương cơ sở). 

+ Nội trú tại cơ sở KCB tuyến huyện: tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở.

+ Nội trú tại cơ sở KCB tuyến tỉnh: tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở.

+ Nội trú tại cơ sở KCB tuyến trung ương tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở.

Hai là, đối với cơ sở KCB có ký hợp đồng KCB BHYT: chỉ thanh toán đối với trường hợp KCB không đủ thủ tục tại nơi đăng ký KCB ban đầu: Ngoại trú tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở; Nội trú tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở.

PV: Thời gian gần đây, có thông tin về việc chi trả BHYT cao kỷ lục với một số bệnh nhân. Thông tin từ Hệ thống thông tin Giám định BHYT của BHXH Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng đầu năm nay, đã có 50 trường hợp bệnh nhân được Quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB BHYT từ gần 830 triệu cho đến hơn 4,7 tỷ đồng. Đây có phải hiện tượng cá biệt hay không, và có ảnh hưởng gì tới quyền lợi khám, chữa bệnh của các bệnh nhân khác tham gia BHYT hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Đúng là nhiều người bệnh không may mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày, nhờ tham gia BHYT đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn, tránh được “bẫy nghèo”. Các bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn nêu trên thường mắc các bệnh về máu, chủ yếu là bệnh Hemophilia. Đây cũng phản ánh nguyên lý cơ bản của chính sách BHYT xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, các bệnh nhân BHYT khác không bị ảnh hưởng đến quyền lợi trong KCB.

Để quỹ BHYT bảo đảm cân đối, cơ quan BHXH đang nỗ lực cải cách phương thức giám định, thanh toán chi phí KCB, đồng thời kiến nghị các cơ sở y tế và người tham gia BHYT cùng chung tay sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ BHYT, đảm bảo khả năng chi trả của quỹ BHYT, chính là đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và của chính các cơ sở KCB.

PV: Nghị định 146 nêu rõ, từ năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng thẻ BHYT điện tử. Vậy, điểm thuận tiện với người dân khi sử dụng dịch vụ này là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, đến năm 2020, BHXH Việt Nam sẽ phải hoàn thành việc cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân. BHXH Việt Nam quyết tâm đến ngày 1/1/2020, sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến thẻ BHYT điện tử và chắc chắn sẽ phát hành thẻ BHYT điện tử đến với người dân theo đúng quy định.

Thẻ bảo hiểm điện tử sẽ tích hợp dữ liệu cả thẻ BHYT và sổ BHXH, lưu giữ các thông tin cơ bản về quá trình đóng, hưởng của người tham gia BHXH, BHYT. Quá trình khám chữa bệnh sẽ thuận tiện nhanh chóng hơn, góp phần cải cách thủ tục hành chính, hạn chế thời gian chờ đợi;

BHXH Việt Nam sẽ triển khai thí điểm và sẽ hoàn tất hướng dẫn để triển khai theo đúng tiến độ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chí Hiếu (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực