Chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

Thứ tư, 11/12/2019 18:37
(ĐCSVN) - Nhằm chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”.
leftcenterrightdel
 Các lực lượng tích cực dập lửa tại vụ cháy rừng ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: LP)

Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn số 1955/TCLN-KL gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Năm 2019, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của Chính phủ và cấp ủy, chính quyền địa phương, đảm bảo hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2019.

Hiện nay, một số địa phương đã bước vào thời kỳ mùa khô 2019-2020. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2020 tình hình thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và bất thường ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng và nguy cơ gây cháy rừng rất cao.

Nhằm chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật, đặc biệt là vào dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2020, Tổng cục Lâm nghiêp đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, phành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 1 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; kiên quyết xóa bỏ các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.

Đặc biệt, chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp: chủ động xử lý thực bì, đốt trước có kiểm soát, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng dễ cháy; làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương, làm rẫy.

Triển khai thực hiện quyết liệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng đến mọi tầng lớp nhân dân. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức phối hợp lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần; thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi cháy rừng xảy ra.

Ngoài ra, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường các biện pháp chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật; phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2020 và trong suốt mùa khô 2020./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực