ĐBSCL: Dự báo khả năng hạn, mặn sớm và kéo dài

Thứ ba, 11/12/2018 16:21
(ĐCSVN) – Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam nhận định, mùa khô năm 2018 - 2019 có khả năng thuộc năm thủy văn có dòng chảy nhỏ so với mùa khô năm 2017- 2018 và so với trung bình nhiều năm. Do đó, xâm nhập mặn khá sớm, sâu và kéo dài nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn.

Theo đó, vào cuối tháng 12/2018 và tháng 1/2019, các vùng cách cửa sông 20- 30km sẽ có mặn vượt mức 4‰ vào thời kỳ triều cường, còn khi triều thấp, chân triều vẫn có thể xuất hiện nước ngọt nhưng khả năng lấy nước ngọt hạn chế. Trong tháng 2 và 3, mặn có thể xâm nhập sâu vào đồng bằng. Tháng 4, nếu có xả nước thượng lưu thì mặn sẽ giảm, trở về như tháng 1, 2. Tháng 5 nếu không có mưa thì độ mặn trên các cửa sông vẫn còn cao như tháng 4 và có khả năng kéo dài sang tháng 6.

Vùng từ 40 km đến 60 km trở ra mặn 4‰ xâm nhập thường xuyên, nhất là trong các đợt triều cường vùng này vẫn có khả năng lấy nước ngọt khi triều thấp hoặc xả nước tăng cường thượng lưu. Vùng từ 60 km trở vào, mặn 4‰ xuất hiện không thường xuyên, chỉ vào lúc triều cường, nên nông dân có thể tranh thủ lấy nước trong thời kỳ này.

Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh những tháng mùa khô năm 2018- 2019, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần phải có kế hoạch triển khai công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn để chủ động ngay từ thời điểm này bằng cách trữ nguồn nước ngọt và chuẩn bị kế hoạch cho công tác phòng chống hạn, mặn. Đồng thời, cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý. Một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn ngọt cần phải xem xét lựa chọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước.

  
Nạo vét kênh rạch dự trữ nước ngọt ở Long An. (Ảnh: NS)

Được biết, trong khoảng 6 năm trở lại đây, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện không theo chu kỳ, thậm chí có những năm lượng nước về rất thấp. Thay vào đó là tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền cả trăm cây số, mà điển hình là mùa khô năm 2016, những huyện nằm cách xa cửa biển của tỉnh Bến Tre cũng đã bị nước mặn xâm nhập gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Sự xuất hiện của hạn - mặn nghiêm trọng, cũng đã gây thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa và hoa màu, khiến cho hàng triệu người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lâm vào cảnh thiếu nước ngọt. Theo các chuyên gia thủy lợi, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là hai vùng trũng bao gồm tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, tuy nhiên, hai vùng này không còn nước tích trữ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy mặn nữa. Thiệt hại do hạn, mặn gây ra cho vùng ven biển là rất lớn, điều này khiến cho người dân nơi đây gặp rất khó khăn trong mưu sinh hàng ngày.

Chính vì vậy, chính quyền và người dân cần có sự bình tĩnh, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để ứng phó với diễn biến khắc nghiệt của khí hậu. Cụ thể, đối với sản xuất, trong tình huống cực đoan cách tốt nhất là dựa vào dự báo để tránh thiệt hại, có thể bằng cách thay đổi lịch thời vụ, thay đổi phương thức canh tác, hoặc tránh xuống giống hẳn cho năm đó.

Mặc dù từ năm 2017 đến nay, xâm nhập mặn và khô hạn đã không gay gắt như trong năm 2016 và trước đó, song việc ứng phó với diễn biến bất thường của khí hậu không thể chủ quan. Từ tháng 5/2018 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện một số trận mưa, và mùa mưa năm nay cũng đã cho Đồng bằng sông Cửu Long một lượng nước dồi dào hơn những năm trước đó, tuy nhiên, tình hình thiếu nước ngọt sinh hoạt vẫn gây khó khăn cho hàng nghìn người dân ở các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre.

Nhằm chủ động dự trữ nước sinh hoạt trong mùa khô, các địa phương trong khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi chứa nước ngọt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi phải theo dõi sát diễn biến của nguồn nước, để từ đó vận hành điều tiết phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, bố trí nguồn lực để thực hiện các giải pháp dài hạn để chủ động đối phó với tình trạng này. Ngoài ra, các địa phương trong khu vực đưa ra lịch thời vụ hợp lý, vận hành điều tiết nước hiệu quả, phù hợp; phải hỗ trợ người dân, tuyên truyền nâng cao diện tích gieo sạ những giống chịu được hạn mặn, thời gian sinh trưởng ngắn ngày.. Các địa phương cũng chủ động tuyên truyền cho người dân thay đổi tư duy sản xuất; theo đó cần thay đổi kịp thời những giống cây trồng vật nuôi mới, không sử dụng nhiều nguồn nước, chịu được khô hạn, mặn mà vẫn cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao./..

NS

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực