Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động phòng chống lũ lên cao

Thứ hai, 24/09/2018 15:22
(ĐCSVN) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên theo kỳ triều cường và có khả năng đạt mức cao nhất vào ngày 26 đến ngày 27/9/2018.
Gia cố đê bao ở Long An (Nguồn: Báo Long An)

Nước lũ kết hợp triều cường dâng cao những ngày qua đã làm cho nhiều hộ dân ở ngoài đê bao và một số khu vực có đê bao bị nước tràn qua gây thiệt hại đáng kể cho người dân. Tại khu ô bao số 4 thuộc ấp Tân Mỹ, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, nước đã tràn qua ô bao gây thiệt hại nhiều diện tích vườn cây ăn trái của nông dân. Trên địa bàn huyện Lai Vung một vài đoạn đê bao thấp cũng bị tràn như 6km đê bao bảo vệ vùng màu xã Tân Hòa, 15km đê bao bảo vệ lúa xã Long Thắng, xã Phong Hòa bị vỡ 1 đập dài khoảng 3m... nước tràn vào bên trong, ảnh hưởng đến cây trồng. Nước lũ cũng làm ngập nhiều tuyến đường nông thôn, nhất là xã Long Thắng và các tuyến nội ô thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung gây khó khăn trong việc đi lại, nước lũ cũng đã gây ngập một số sân trường học...

Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Tìm kiếm cứu nạn các địa phương của Đồng Tháp đã tăng cường thị sát thực tế để có chỉ đạo kịp thời, giúp người dân chống lũ bảo vệ tính mạng và tài sản, nhất là cây trồng, khuyến cáo nhân dân sẵn sàng chủ động trong mọi tình huống.

Nước lũ lên, tăng nguy cơ sạt lở ở những vùng ven sông, kênh, rạch tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh này vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình trạng sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu đã xảy ra tại 20 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố của Đồng Tháp bao gồm: huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông, Châu Thành, TX.Hồng Ngự và TP.Sa Đéc. Tổng chiều dài sạt lở hơn 25km, diện tích sạt lở 4,7ha, ước thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng.

Cũng theo thống kê của ngành nông nghiệp Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, sạt lở nội đồng xảy ra tại 22 xã, phường, thị trấn của 6 huyện là Cao Lãnh, Thanh Bình, Lấp Vò, Châu Thành, Lai Vung và Tháp Mười với tổng chiều dài hơn 1.900m, diện tích gần 7.200m2, ảnh hưởng trực tiếp tới 6 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng. Nguyên nhân sạt lở bờ sông chủ yếu là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu. Đồng thời, những cồn cát nổi lên tại lòng sông làm thay đổi dòng chảy, ép sát bờ gây ra tình trạng sạt lở. Thực trạng này thường diễn ra tại những khu vực cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.

Để khắc phục tình trạng sạt lở, các địa phương đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức theo dõi, cắm biển báo và tuyên truyền để nhân dân biết chủ động phòng tránh, lên phương án khắc phục các đoạn xảy ra sạt lở. Thực hiện dự án đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng tiếp tục thi công các công trình hạ tầng thiết yếu trong 53 cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2, đồng thời thực hiện các công trình xử lý khẩn cấp sạt lở trên địa bàn xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Kè Thường Thới Tiền giai đoạn 2 nối dài, khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Hổ Cứ, xã Hòa An, trên địa bàn TP.Cao Lãnh..., lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, lũ đã làm tình hình sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu diễn biến phức tạp, gần 450 ha sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, ước thiệt hại trên 7 tỷ đồng.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của lũ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất, tính mạng, tài sản, các địa phương vùng lũ tỉnh Long An đã chủ động triển khai kế hoạch ứng phó. Nhất là việc bảo vệ lúa vụ thu đông, đặc biệt là những nơi người dân gieo sạ trong vùng không đảm bảo an toàn khi có nước lũ lớn, với gần 23.000ha lúa gieo sạ, tập trung ở các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Hiện, nông dân đã thu hoạch khoảng 4.000ha, còn lại dự kiến thu hoạch dứt điểm vào giữa tháng 10/2018. Mực nước lũ tăng nhanh đe dọa diện tích lúa còn lại, nên các địa phương đã chủ động gia cố đê bao bảo vệ diện tích này.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết, đến nay, huyện chưa xảy ra thiệt hại, nhưng có khoảng 7.000ha có khả năng bị ảnh hưởng nếu nước lũ tiếp tục dâng cao trong thời gian tới, hiện mặt đê cao hơn mực nước từ 0,3m đến 0,5m. Trước tình hình trên, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp các xã thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao xung yếu, phân công thành viên phụ trách địa bàn chủ động kiểm tra, ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh, vận động người dân góp kinh phí gia cố các tuyến đê bao.

Theo ông Võ Chí Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Vĩnh Hưng, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ trong mùa lũ, địa phương huy động tất cả trẻ em vùng ngập lũ trên địa bàn các xã, thị trấn đến học tập, vui chơi tại những điểm giữ trẻ an toàn, tạo điều kiện cho cha mẹ trẻ an tâm mưu sinh trong mùa lũ. Huyện tập trung điều tra, rà soát số trẻ trên địa bàn ngập lũ, số trẻ thuộc gia đình khó khăn, neo đơn, cha mẹ lao động kiếm sống thường xuyên vắng nhà, đồng thời bố trí các điểm giữ trẻ ở những cụm, tuyến dân cư vượt lũ hoặc tại những gia đình có bảo đảm an toàn cho trẻ như nhà cửa cao ráo, có hàng rào bảo vệ trẻ,... Tùy điều kiện các xã, thị trấn, bố trí các điểm giữ trẻ phù hợp, mỗi điểm có từ 15 đến 30 trẻ và có từ 2 đến 3 người giữ trẻ.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long tại một số trạm thượng nguồn tính đến những ngày đầu tháng 9/2018 ở mức cao và xấp xỉ với mực nước lũ năm 2000. Tuy nhiên, sau ngày 3/9, mực nước có sự biến đổi chậm. Mực nước cao nhất ngày 21/9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,97 m (dưới báo động 2 là 0,03 m), trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,58 m (trên báo động 2 là 0,08 m).

Cũng theo ông Trần Quang Hoài, lũ lớn năm 2018 đã ảnh hưởng chủ yếu đến 4 tỉnh là Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Long An. Tuy chưa thiệt hại về người nhưng tính đến thời điểm hiện tại, lũ ảnh hưởng đến việc đi lại của hơn 5.200 học sinh, đồng thời lũ cũng đã gây thiệt hại hơn 1.700 ha lúa, hơn 177 ha hoa màu và gây ra sự cố sạt lở bờ bao, bờ sông ở một số địa phương như Đồng Tháp, An Giang...

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong những ngày tới mực nước, trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,1m (trên báo động 2 là 0,1m). Trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,7m (trên báo động 2 là 0,2m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2, báo động 3, sau đó xuống. Dự báo đến ngày 3/10/2018, mực nước cao nhất trong ngày tại Tân Châu ở mức 3,90m (dưới báo động 2 là 0,1m), tại Châu Đốc ở mức 3,55m (trên báo động 2 là 0,05m), mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long xuống mức báo động 1.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đã cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 đến cấp 3./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực