Đồng Nai quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ hai, 11/03/2019 10:50
(ĐCSVN) – Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương phía Bắc, tỉnh Đồng Nai, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của ngành chăn nuôi lợn đang khẩn trương dồn mọi nguồn lực có thể, nhằm ngăn chặn dịch bệnh nói trên xâm nhập vào địa bàn.

Các địa phương tập trung dập dịch tả lợn châu Phi

Xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi tại Nam Định

Nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện địa phương này có đàn lợn lớn nhất cả nước, với khoảng 2,5 triệu con. Tuy nhiên, vẫn còn có những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh này chưa chú trọng đến công tác an toàn sinh học. Cùng với đó, hiện giá thịt lợn tại khu vực phía Nam đang cao hơn phía Bắc nên số lượng lợn vận chuyển từ Bắc vào Nam sẽ gia tăng và nguy cơ xâm nhiễm, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là rất cao, bởi địa phương này có hai tuyến quốc lộ là 1 và 20 chạy qua, đây là hai tuyến đường mà các xe chuyên chở lợn từ phía miền Bắc và Tây Nguyên vào miền Nam.

Vệ sinh chuồng trại, cho ăn thức ăn đạt chất lượng...nhằm giữ sức đề kháng cho lợn đang được
người chăn nuôi ở Đồng Nai áp dụng để phòng chống xâm nhập của dịch tả lợn châu Phi (Ảnh: K.V)

Huyện Xuân Lộc là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Đồng Nai và cũng có đàn lợn lớn thứ 2 trong tỉnh với gần 2.000 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ và trang trại, ước tính huyện này đang có khoảng 380 nghìn con. Nơi đây có quốc lộ 1 đi qua, với lưu lượng xe rất lớn, nên chính quyền và các ngành chức năng huyện này xác định nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi là rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, địa bàn này đang được xem là “điểm nóng” và cũng đã sớm thành lập “đường dây nóng” nhằm tiếp nhận tin báo của nhân dân.

Theo ông Phan Mạnh Hùng, Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng chục xe chở lợn, số lượng trên 1.500 con từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam đi qua Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn, điểm đến là các tỉnh Tây Nam Bộ. Do dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở miền Bắc nên Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn đã huy động toàn bộ lực lượng, tăng cường kiểm tra, đảm bảo tất cả lợn qua trạm đều có xuất xứ, nguồn gốc, đã được kiểm dịch. Với lợn có biểu hiện mang bệnh, Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn kiên quyết ngăn chặn, không cho lưu thông. Trong vài ngày qua, có một số xe chở lợn đã không tuân thủ quy định của pháp luật, cố tình vượt Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn. Đây là vấn đề rất đáng lo, trạm đang làm việc với lực lượng cảnh sát giao thông nhằm xử lý xe chở động vật vượt trạm.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, là địa phương chăn nuôi có quy mô lớn nhất cả nước nên địa phương xác định sẽ có nguy cơ rất lớn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, khi mà các địa phương phía Bắc diễn biến khó lường với dịch bệnh này trong những ngày qua. Đáng lo ngại là do tình trạng chênh lệch giá lợn giữa 2 miền khiến việc vận chuyển lợn và các sản phẩm động vật từ miền Bắc vào miền Nam để tiêu thụ với quy mô rất lớn, trong đó có lợn từ những vùng đã xuất hiện dịch. Do vậy, khả năng lây lan dịch tả lợn châu Phi vào tỉnh Đồng Nai là rất lớn.

Cũng theo ông Huỳnh Thành Vinh, thống kê cho thấy, có 46% nguyên nhân lây lan dịch tả lợn châu Phi là do các phương tiện vận chuyển và con người không được sát trùng tiêu độc; 34% do hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa và khoảng 19% do vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật…Do vậy, khả năng lây lan dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có nguy cơ rất lớn khiến chính quyền và người dân vô cùng lo lắng.

Còn theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đây là loại bệnh dịch gây hại rất lớn với tốc độ lây lan khủng khiếp lại không có vắc xin. Do vậy, để công tác kiểm soát được dịch bệnh tốt và tránh tình trạng người nuôi dấu dịch tỉnh nên có chính sách nhất thời để hỗ trợ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ để họ sẵn sàng hợp tác. Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, hiện nay tỉnh đang phải đối mặt với áp lực phòng, chống dịch bệnh rất lớn. Đây là dịch bệnh chưa có vắc xin đặc trị, tỷ lệ lợn nhiễm bệnh bị chết là tuyệt đối nên rất nguy hiểm. Do chưa thể chữa trị nên hiện chỉ có thể thực hiện các biện pháp ứng phó, tránh bệnh xâm nhiễm và lây lan.

Tập trung vào công tác phòng ngừa dịch bệnh

Trước tình hình trên, các cấp, các ngành và địa phương của tỉnh Đồng Nai đã tập trung vào công tác phòng ngừa dịch bệnh với nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt. Theo đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã vừa tổ chức lấy ý kiến của doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh về những vấn đề liên quan đến tình hình dịch tả lợn châu Phi. Nội dung góp ý chủ yếu tập trung vào những vấn đề phòng, chống dịch lây lan, như cấm nguồn lợn từ các tỉnh đã xuất hiện dịch vào Đồng Nai; Nhà nước nên quản lý, kiểm nghiệm tất cả các sản phẩm nhập khẩu bột xương, thịt từ phế, phụ phẩm của lợn, thậm chí cấm nhập khẩu sản phẩm này từ các nước có dịch.

Đối với vấn đề hỗ trợ khi có dịch xảy ra, người chăn nuôi cho rằng, Nhà nước cần đưa ra giải pháp về mức hỗ trợ chung tính theo từng đầu lợn, như lợn con, lợn nái, lợn thịt; việc nhận hỗ trợ cần kịp thời, đơn giản, để người chăn nuôi mạnh dạn báo dịch. Cần công bố cụ thể thời gian được nhận hỗ trợ, đồng thời xử phạt thật nặng trường hợp giấu dịch, bán lợn bệnh ra thị trường. Người chăn nuôi cũng cho rằng, nên chọn giải pháp tiêu hủy lợn bệnh bằng phương pháp đốt, vì chôn lợn bệnh có nhiều rủi ro, ảnh hưởng lâu dài về sau trong vấn đề tái đàn.

Về góc độ địa phương, người chăn nuôi cũng mong tỉnh Đồng Nai lập thêm các chốt kiểm dịch và kiên quyết ngăn chặn lợn bệnh đi qua địa bàn tỉnh. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi và người dân trong việc nâng cao ý thức phòng, chống dịch, cũng như không hiểu sai về dịch bệnh này dẫn đến tẩy chay thịt lợn, gây khó khăn cho ngành chăn nuôi. Đồng Nai hiện còn quá nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, nên cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là nạn giết mổ lậu là một kênh chính tiêu thụ nguồn lợn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Năng, chủ trang trại nuôi lợn ở huyện Long Thành chia sẻ, ngay khi nắm thông tin dịch đã xuất hiện ở một số tỉnh miền Bắc, ông đã không cho người lạ tiếp cận khu vực nuôi lợn, tiến hành phun xịt, khử trùng chuồng trại. Gia đình ông chỉ cho lợn ăn thức ăn của các công ty có uy tín, chất lượng.

Bà Chi Thị Hồng, người chăn nuôi lợn ở huyện Trảng Bom cho hay, qua tuyên truyền, được biết dịch tả lợn châu Phi lây lan qua đường thức ăn. Trước đây, thỉnh thoảng bà vẫn mua thức ăn dư thừa của các bếp ăn công nghiệp về cho lợn. Tuy nhiên, khi nghe thông tin có dịch, bà quyết định ngừng sử dụng loại thức ăn này, chỉ dùng cám của các doanh nghiệp uy tín và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh trên đàn lợn.

Cùng với đó, những ngày qua, các ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó, việc tuyên truyền chính xác, kịp thời cho người chăn nuôi về mức độ nguy hiểm, cách phòng chống dịch; cũng như tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu dịch này không lây qua người để người tiêu dùng không vì e ngại mà tẩy chay thịt lợn. Song song với đó, Đồng Nai cũng tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn qua địa bàn, đẩy mạnh việc khử trùng tiêu độc, giám sát và cảnh báo dịch bệnh. Tổ chức thống kê đàn lợn trên địa bàn tỉnh và thành lập đoàn công tác các cấp để kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở... Ngoài ra, Đồng Nai cũng đưa ra nhóm giải pháp trong công tác phòng, chống dịch, như khai báo, điều tra dịch bệnh; trách nhiệm của địa phương trong xác định ổ dịch, vùng dịch và vùng giám sát dịch bệnh; xử lý lợn mắc bệnh; quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch…

Nhằm chủ động kiểm soát dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã quyết định thành lập hai chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên hai tuyến quốc lộ đi qua tỉnh này. Theo đó, Chốt số 1 trên quốc lộ 20 tại điểm giáp ranh giữa địa bàn huyện Tân Phú và tỉnh Lâm Đồng và Chốt số 2 trên quốc lộ 1 tại điểm giáp ranh giữa xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) và tỉnh Bình Thuận. Các chốt kiểm dịch động vật tạm thời nói trên sẽ kiểm tra động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên vận chuyển qua địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút dịch tả lợn châu Phi vào tỉnh Đồng Nai. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Cục quản lý thị trường và Uỷ ban nhân dân các huyện Tân Phú, Xuân Lộc bố trí đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và xử lý các trường hợp vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vi phạm theo quy định.

Tại huyện Xuân Lộc, những ngày này, các hoạt động phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn diễn ra quyết liệt, huyện đã tổ chức đồng loạt việc phun xịt tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch bệnh tại 14 xã, thị trấn; phun xịt 568 lít thuốc sát trùng trên diện tích 113 ha tại các địa điểm công cộng. Huyện cũng tổ chức cán bộ trực 24/24 giờ, thông báo đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ người dân về tình hình dịch bệnh. Nhờ đó, các chủ trang trại và hộ chăn nuôi lợn ở đây cũng yên tâm phần nào.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, Hiệp hội đang theo dõi sát diễn biến của dịch tả lợn châu Phi. Để phòng bệnh, trước mắt, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khuyến cáo người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, vệ sinh khử trùng chuồng trại, giữ cho đàn lợn có sức khỏe tốt; không sử dụng các loại thức ăn trôi nổi trên thị trường, không mua bán lợn chết, mắc bệnh.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện có 8 phòng xét nghiệm tại Chi cục Thú y Vùng 6 và tất cả các mẫu xét nghiệm gửi cũng sẽ được miễn phí hoàn toàn. Do vậy đề nghị lãnh đạo các địa phương lưu ý, cần phải phát hiện nhanh, xác định nguồn bệnh càng nhanh thì khống chế dịch mới hiệu quả. Theo ông Quang, tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức tháng vệ sinh sát trùng tiêu độc ở đường làng ngõ xóm, nơi tập kết vận chuyển gia súc và các trang trại chăn nuôi nhằm phòng chống và tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường nếu có.

Phòng chống dịch quyết liệt, nhưng không vì thế mà lơ là việc giữ ổn định thị trường thịt lợn, bởi Đồng Nai đã trải qua cú sốc bỏ trắng chuồng hơn một năm trước đây, vì giá lợn xuống thấp khiến người chăn nuôi thiệt hại nặng nề. Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần phải làm tốt việc tuyên truyền đến người tiêu dùng là dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang người, tránh việc tẩy chay không dùng thịt lợn gây thiệt hại cho toàn ngành chăn nuôi. Theo đó, cần có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành liên quan để có giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài. Trong đó, phải tính đến phương án bình ổn thị trường lợn sau dịch gắn với vai trò của những doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực