Đồng Nai tiếp tục chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ sáu, 15/03/2019 12:14
(ĐCSVN) - Theo Chi cục Thú y Vùng VI, tính đến 18h30 ngày 13/3, cả nước đã có 17 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm 635 hộ chăn nuôi khu vực phía Nam chưa xuất hiện ổ dịch.
Chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn huyện Xuân Lộc- Đồng Nai
(Ảnh: Báo Đồng Nai)

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai kiến nghị Trung ương tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật theo đường bộ, thủy, hàng không…để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; xem xét tạm cấm vận chuyển lợn từ các tỉnh miền Bắc vào miền Nam đến khi dịch bệnh được dập tắt; tạm thời ngưng nhập thịt đông lạnh từ các quốc gia có xuất hiện dịch tả lợn châu Phi…

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các cơ quan báo, đài của tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi. Trước diễn biến phức tạp và lây lan nhanh như hiện nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng cần cấp bách thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng dịch lợn châu Phi từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã để triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Đồng Nai tiếp tục tăng cường thành lập thêm các chốt kiểm dịch lợn từ các địa phương khác vào Đồng Nai và phạt nặng các trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung tổ chức phun khử trùng, tiêu độc cho cả các xe chở thức ăn chăn nuôi đi vào địa bàn tỉnh. Các địa phương từ cấp tỉnh đến cơ sở phải xem công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách và cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng dịch từ cơ sở chăn nuôi đến kiểm tra gắt gao việc vận chuyển, trạm trung chuyển, cơ sở giết mổ, kiểm tra xử lý, tiêu hủy lợn không kiểm dịch, không có dấu thú y ngoài thị trường. Đồng thời, tỉnh Đồng Nai sẽ ưu tiên ngân sách cho công tác phòng dịch, từ việc mua sắm thiết bị, dụng cụ đến bố trí ngân sách cho công tác tiêu độc, khử trùng, hỗ trợ cho đội ngũ tham gia phòng, chống dịch….

Với hơn 2,5 triệu con lợn đang được nuôi trên địa bàn, Đồng Nai là địa phương có số lượng lợn lớn nhất cả nước, nếu xảy ra dịch bệnh thì sẽ thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Chính vì vậy, ngoài các chốt kiểm dịch đã có, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu lập thêm chốt để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng.

Theo đồng chí Nguyễn Phú Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho người dân nên giảm đàn để hạn chế thua lỗ, ngoài ra tiền ứng phó và hỗ trợ ngân sách khi dịch bệnh xảy ra thì phải minh bạch trong công tác đền bù.

Liên quan đến giá thịt lợn trong những ngày qua ở Đồng Nai, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho hay, do dịch bệnh đang lây lan ở các tỉnh phía Bắc khiến giá thịt lợn giảm mạnh hai tuần nay, đang từ 52.000 đồng/1kg, hiện còn là 42.000 đồng/1kg. Có những nơi bị thương lái ép giá chỉ còn 36.000 đồng/1kg.

Cũng do giá lợn không còn chênh lệch cao giữa miền Bắc và miền Nam, nên hiện nay lượng lợn vận chuyển vào các tỉnh phía Nam đi qua quốc lộ 1 đã giảm. Tại trạm kiểm dịch Ông Đồn trên Quốc lộ 1 đi qua địa bàn huyện Xuân Lộc, chỉ còn 400 con lợn mỗi ngày, giảm khoảng 600 con so với những ngày trước đó.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Uỷ ban nhân dân tỉnh về các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, nội dung về hỗ trợ khi dịch xảy ra được Hiệp hội đề xuất nên áp dụng biện pháp đếm số lượng đầu con vừa để dễ kiểm soát, vừa thuận tiện trong công tác thực hiện hỗ trợ.

Cụ thể, hỗ trợ cho lợn bị dịch nên chia ra 4 mức gồm: hỗ trợ 1 triệu đồng/con lợn từ 20kg trở xuống; lợn từ 20-50kg hỗ trợ 2 triệu đồng/con; lợn thịt trên 50kg hỗ trợ 4 triệu đồng/con và lợn nái, lợn nọc đang khai thác là 6 triệu đồng/con. Cũng theo hiệp hội, việc được nhận hỗ trợ sớm và thuận lợi cũng góp phần rất lớn để người chăn nuôi báo dịch và không bán tháo lợn bị bệnh ra thị trường.

Hiệp hội cũng kiến nghị thêm về thời gian được nhận tiền hỗ trợ là 15 ngày sau khi xảy ra dịch và phải có quy trình giám sát, công khai, minh bạch trong công tác hỗ trợ để tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Ngành chức năng của Đồng Nai cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi khi phát hiện trường hợp bất thường trên lợn, cần báo ngay với cơ quan chuyên môn cấp xã. Không được giấu dịch và bán tuồn ra thị trường. Dịch tả lợn châu Phi chỉ nguy hiểm trên đàn lợn, tuyệt đối không thể lây sang người. Do đó, người dân lúc này cần bình tĩnh, không hoang mang, cần lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn và được chế biến hợp vệ sinh. Việc người dân hiểu sai vấn đề, quá lo lắng dẫn đến việc quay lưng với thịt lợn… thậm chí sẽ còn tạo ra mối nguy hại lớn hơn cả dịch bệnh./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực