Hà Nội làm rõ việc 3.700 cán bộ viên chức lao động bị nợ lương

Thứ tư, 31/01/2018 09:17
(ĐCSVN) - Liên quan tới tình trạng 3.700 cán bộ công nhân viên chức lao động các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn TP. Hà Nội bị chậm lương 2 năm nay, chiều 30/1, tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, Chánh văn phòng UBND Thành phố Phạm Quý Tiên đã thông tin cụ thể tới báo chí về nội dung này.
Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên thông tin với các cơ quan  báo chí. (Ảnh: TA)

Theo thông tin trên một số phương tiện truyền thông, từ năm 2015 đến nay, 3.700 cán bộ công nhân viên chức lao động các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn TP. Hà Nội gặp nhiều khó khăn do bị chậm lương và họ phải viết tâm thư gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Chẳng hạn tại Công ty đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy, tình trạng chậm lương diễn ra từ cuối năm 2015 đến nay, hay tại Công ty đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ - đơn vị có trên 1.000 công nhân, hàng tháng Công ty chỉ đủ kinh phí ứng lương cho người lao động (gồm cả ban lãnh đạo) số tiền 2 triệu đồng/người. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Công ty thủy lợi sông Tích, Mê Linh.

Về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Phạm Quý Tiên nêu rõ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về 5 công ty thuỷ lợi khi toàn bộ hồ sơ thanh quyết toán của năm 2016 gửi chậm. Dù vậy, còn có nguyên nhân khách quan là do sự thay đổi chính sách về định mức, đơn giá dịch vụ công ích thủy lợi, ảnh hưởng đến nguồn thu và gây ra nhiều khó khăn cho các đơn vị này.

Ông Phạm Quý Tiên cho biết, năm 2016, định mức đơn giá do UBND TP. Hà Nội ban hành đã được tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện cung ứng dịch vụ thủy lợi. Tuy vậy, qua kiểm tra, khâu nghiệm thu, thanh quyết toán của các công ty vừa qua còn chậm. Việc nghiệm thu, thanh quyết toán chậm dẫn đến nguồn tiền ngân sách rót về các công ty chậm, từ đó việc chi trả lương cho công nhân chậm.

Hiện nay, số tiền nợ của các công ty thủy nông gần 239,3 tỷ đồng. Đại diện Sở Nông nghiệp Thành phố cho rằng, việc áp dụng chính sách mới làm giảm khoảng 50% nguồn thu của doanh nghiệp thủy nông khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng nợ lương người lao động.

Về việc tháo gỡ đơn giá, ông Nguyễn Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, UBND Thành phố được quyền ban hành giá cụ thể, nhưng đối với trường hợp Trung ương ban hành khung giá tối đa, địa phương chỉ được phép ban hành mức giá cụ thể không được vượt quá mức trần của Trung ương.

“Sở Tài chính là cơ quan tham mưu cho UBND Thành phố để xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính, sau khi có văn bản hướng dẫn, đơn giá của năm 2017 không chỉ dừng lại ở mức giá theo Thông tư 280 mà đã có phần trợ giá theo đúng hướng dẫn của 2 Bộ”, ông Hà cho biết.

Cuối buổi họp, ông Nguyễn Quốc Hội, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết, ngày 26/12/2017, sau khi UBND TP. Hà Nội có quyết định điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, trong đó có định mức giá dịch vụ thủy lợi và trợ giá, công ty đã làm hồ sơ nghiệm thu.

“Đến 14h30 chiều ngày 30/1, tiền nghiệm thu đã được chuyển về Công ty. Phía Công ty sẽ khẩn trương chi trả tiền lương bị chậm, nợ cho người lao động” – ông Hội thông tin./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực