Hiện tượng mù quang hóa gây ô nhiễm không khí tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ tư, 09/10/2019 22:11
(ĐCSVN) - Ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm quan trắc TN&MT cho rằng, trong những ngày gần đây, liên tục xuất hiện hiện tượng mù quang hóa gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đây là hiện tượng tự nhiên thường xảy ra ở những TP lớn và một phần do hoạt động giao thông đô thị, xả thải của người dân TP tạo nên.
Giám đốc Trung tâm quan trắc TN&MT Cao Tung Sơn phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Chi Mai)

Chiều tối 9/10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Hồ Chí Minh tổ chức Họp báo về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP.

Có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc tại 30 vị trí quan trắc môi trường không khí từ ngày 3/9/2019 đến 20/9/2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, PM 10, PM 2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao hơn 50%.

Hiện Sở TN&MT TP thường xuyên triển khai quan trắc chất lượng môi trường không khí hằng tháng tại 30 vị trí quan trắc với tần suất 10 ngày trong tháng vào 02 thời điểm (7g30 – 8g30 và 15g00 – 16g00).

Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh kết luận, 9 tháng năm 2019, ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép.

Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, Ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, nhìn chung nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 30 vị trí quan trắc trong 9 tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018.

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Chi Mai)

Phát biểu tại buổi họp báo, Giám đốc Trung tâm quan trắc TN&MT (Sở TN&MT TP) Cao Tung Sơn cho biết, mù quang hóa là hiện tượng tự nhiên, do nghịch nhiệt bức xạ mạnh làm giảm khả năng hòa trộn, phát tán ô nhiễm dẫn đến việc tích tụ ô nhiễm, đặc biệt trong khu vực nội thành.

Ông Cao Tung Sơn cho rằng, trong thời gian vừa qua, tình hình ô nhiễm môi trường không khí diễn biến khá phức tạp. Trong những ngày gần đây, liên tục xuất hiện hiện tượng mù quang hóa gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đây là hiện tượng tự nhiên thường xảy ra ở những TP lớn và một phần do hoạt động giao thông đô thị, xả thải của người dân TP tạo nên.

Phân tích nguyên nhân làm tăng ô nhiễm không khí và tiếng ồn, ông Cao Tung Sơn chia sẻ, hiện nay địa bàn TP có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác đưa vào TP sinh sống. Trong đó, nhiều phương tiện không thực hiện duy tu bão dưỡng đúng quy chuẩn làm tăng khí thải ra môi trường với mức độc hại tương đối lớn. Cộng thêm, gần 40 điểm ùn tắc giao thông kéo dài gây ô nhiễm môi trường và không khí đặc biệt là thời gian đi làm và tan tầm. Ngoài ra, TP có khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Đại đa số cơ sở sản xuất đều nằm xen kẽ khu dân cư nên khí thải hoạt động gây ô nhiễm môi trường.Thêm vào đó, các hoạt động xây dựng chỉnh trang đô thị diễn ra mạnh mẽ gây ra ô nhiễm không khí và tiếng ồn làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Bàn về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, ông Cao Tung Sơn cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; đồng thời, kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông. Bên cạnh đó, kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp như kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí từ các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải mà đặc biệt là các nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở TN&MT để giám sát. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường. Xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường không khí.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân TP. (Ảnh: Chi Mai)

Tiếp đến là tập trung kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động xây dựng như: Kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm của các công trình, dự án xây dựng. Đồng thời, khuyến khích sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, đảm bảo mật độ cây xanh trong xây dựng và quy hoạch. Thực hiện giãn mật độ dân số; tăng cường các mảng xanh, hồ nước… nhằm giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị và hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào ban đêm.

Song song với đó, công bố các số liệu quan trắc môi trường, đặc biệt là môi trường không khí lên các bảng điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường tần suất công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường. Trong đó, đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 1 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, di động. Tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc tự động liên tục không khí từ nay đến 2030.

Cuối cùng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng; xây dựng các phần mềm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn TP.

Sở TN&MT TP khuyến cáo người dân (đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ có thai) trong các thời điểm xảy ra hiện tượng mù quang hóa hạn chế ra ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm. Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý. Tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống. Hạn chế phơi thực phẩm và sử dụng nước mưa./.

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực