Mức độ nguy hiểm của bão Mangkhut có cấp độ tương đương với bão Haiyan hồi năm 2013

Thứ bảy, 15/09/2018 16:03
(ĐCSVN) – Theo dự kiến, bão Mangkhut sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh ven biển Bắc Bộ trưa ngày 17/9, cường độ giảm xuống còn khoảng cấp 9-10, gió giật cấp 11-12.

                                 

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn. Ảnh: Nguyễn Như

Tìm hiểu về thông tin mức độ nguy hiểm của cơn bão này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT).

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết về mức độ nguy hiểm của bão Mangkhut trong những ngày tới?

Ông Lê Thanh Hải: Chúng tôi đánh giá cơn bão Mangkhut có cấp độ tương đương với bão Haiyan hồi năm 2013. Siêu bão Mangkhut đang ở thời điểm mạnh nhất, đạt cấp 17 (200 - 220 km/h), giật trên cấp 17. Khoảng sáng thứ 7(15/9), bão sẽ đi vào Biển Đông và có khả năng giảm xuống cấp 14 – 15 do tương tác với đảo Luzon (Philipines). Đây là bão cấp rất mạnh. Càng tiến sát vào Lôi Châu (Trung Quốc), bão có khả năng giảm thêm 1, 2 cấp nữa.

Tuy có thể giảm cấp nhưng khi đi vào Bắc Biển Đông, phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng, vùng gió mạnh cấp 10 bao kín vịnh Bắc Bộ. Cho đến thời điểm này, khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ, Nghệ An, Thanh Hóa là rất lớn, xác suất 70 - 80%, với sức gió của bão lúc đó cấp 11 - 12, giật cấp 14 , 15. Gió mạnh, sóng lớn trên vịnh Bắc Bộ - ảnh hưởng của siêu bão Mangkhut sẽ bắt đầu từ sáng sớm chủ nhật (16/9) và kéo dài đến sáng sớm thứ 2 (17/9) tuần tới.

Từ trưa, chiều thứ 2 bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp vào Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí rìa Nam của bão có thể ảnh hưởng đến Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Ngoài ra, các tính toán về sóng gió, thủy triều, nước dâng do bão cho thấy, những cơn bão mạnh, rất mạnh sẽ tạo nước dâng do bão rất lớn.

PV: Đến thời điểm này, ngành khí tượng có thể dự báo gì về kịch bản của bão này, liệu có sự thay đổi gì không thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Chúng tôi dự báo có thể xảy ra 2 kịch bản về đường đi của bão. Một kịch bản là đi về phía bắc của vịnh Bắc Bộ với xác suất khoảng 60%. Kịch bản còn lại là đi vào giữa vịnh Bắc bộ xác suất 40%. Dù là kịch bản nào, phạm vi ảnh hưởng của bão cũng rất rộng và gây mưa lớn, gió rất mạnh, và đặc biệt là nước biển dâng cao.

Các tính toán về sóng gió, thủy triều và nước dâng do bão cho thấy, thời điểm bão vào cũng là lúc thủy triều cao nhất, kết hợp với sóng biển có khả năng dâng cao 4 – 6 m. Đây là mối đe dọa lớn cho các tuyến đê biển mà các địa phương từ Móng Cái đến Nghệ An cần hết sức lưu ý.

Đặc biệt, các vùng đảo, các khu du lịch cần có cảnh báo sớm để lên phương án phòng chống, di dời càng sớm càng tốt.

PV: Cơn bão này có thể gây mưa lớn đe dọa an toàn hồ chứa thế nào thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Có thể thấy bây giờ đang là cuối mùa mưa, nước trên các hồ chứa của Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An lượng nước đã ở mức rất cao nên cần có sự điều tiết khi có thêm đợt mưa lớn này. Hiện, hồ Hòa Bình đã đạt mức nước cho phép và đang mở 1 cửa xả đáy.

Đợt mưa lớn do bão Mangkhut dự kiến có thể tương đương với trận mưa hồi tháng 10 năm ngoái khiến hồ Hòa Bình phải mở cả 8 cửa xả. Hồ thủy điện Sơn La khi đó đóng cửa xả để không tăng sức ép xuống hạ lưu.

Tuy vậy, đợt mưa lần này gây mưa trên khu vực cả 2 hồ, và nếu phải xả lũ. Đây là tình huống nguy hiểm phải có sự chỉ đạo, chỉ huy linh hoạt từ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Ngoài việc gây mưa lớn ở Bắc Bộ, Trung Bộ thì mưa ở Tây Nguyên, Nam bộ cũng tương đối lớn. Chuyên gia khí tượng khuyến cáo các địa phương cần lưu ý mực nước ở các hồ chứa nhỏ do vừa qua đã có nhiều đợt mưa lớn, đặc biệt là các hồ tích nước tưới cây cà phê, cây công nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực