Nâng cao hiệu quả chính sách dân tộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Thứ bảy, 23/06/2018 18:13
(ĐCSVN) – Khu vực miền Trung-Tây Nguyên hiện có 3.076 thôn đặc biệt khó khăn, 347 xã khu vực III, 479 xã khu vực II và 15 huyện nghèo được thụ hưởng chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững. Thực hiện công tác dân tộc năm 2018, 10 tỉnh trong khu vực được phân bổ hơn 718 tỷ đồng theo Chương trình 135.
 

Hội nghị giao ban công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2018
địa bàn 10 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Ngày 22/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2018 khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn tham dự và chỉ đạo hội nghị. Dự Hội nghị có lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Ban Dân tộc 10 tỉnh trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc tại hội nghị, toàn vùng hiện có 3.076 thôn đặc biệt khó khăn, 347 xã khu vực III, 479 xã khu vực II và 15 huyện nghèo được thụ hưởng chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững. Thực hiện công tác dân tộc năm 2018, 10 tỉnh miền Trung-Tây nguyên được phân bổ hơn 718 tỷ đồng theo Chương trình 135. Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã và đang tiến hành giải ngân đầu tư các công trình hạ tầng và duy tu bảo dưỡng trong hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng. Các chính sách khác đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các DTTS rất ít người; Đề án cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”; Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi”... cũng đang được các địa phương tích cực triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trung bình chung toàn khu vực còn 14,4%, trong đó hộ DTTS chiếm gần 55%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trong khu vực thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Tình trạng bỏ học giữa chừng của học sinh DTTS còn diễn ra, năm học 2017-2018, chỉ riêng hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai đã có gần 500 học sinh bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn; tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch chưa được giải quyết dẫn đến tình trạng mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng tăng…

Tại hội nghị, đại diện Ban Dân tộc các tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi; các bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương lồng ghép nguồn vốn triển khai chương trình, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả; công tác chỉ đạo đôn đốc tổ chức kiểm tra giám sát của chính quyền địa phương cần được quan tâm thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, cần có cơ chế ưu tiên trong đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là những người trực tiếp thực hiện chính sách dân tộc...

Phát biểu kết luật hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn đề nghị các địa phương chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho vùng DTTS và miền núi. Chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc nắm tình hình trong vùng đồng bào DTTS, nhất là tình hình tư tưởng, đói nghèo, thất học và hoạt động của một số đạo lạ vào vùng DTTS để kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp trên địa bàn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chú trọng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc để việc triển khai các chương trình, dự án trong vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt hiệu quả cao hơn./.

Tin, ảnh: Bình Trung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực