Nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động văn hóa cho công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Thứ tư, 13/12/2017 23:33
(ĐCSVN) – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, việc tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của công nhân đã được chính quyền và các sở, ngành trong tỉnh quan tâm, thực hiện. Từ đó, động viên kịp thời người lao động yên tâm gắn bó với quê hương thứ hai mà họ lựa chọn…

Hướng về người lao động…

Tư vấn sức khỏe cho công nhân lao động tại Đồng Nai (Ảnh: K.V)

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 84-KH/TU nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 20-NQ/TW, trong đó xác định mục tiêu: “Xây dựng giai cấp công nhân ở Đồng Nai phát triển toàn diện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức công dân, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; ngày càng được trí thức hóa và trẻ hóa về đội ngũ. Làm nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng; là lực lượng đi đầu xây dựng Đồng Nai sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Xây dựng Đề án 84/2009 của Tỉnh ủy Đồng Nai về công tác bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, pháp luật và công đoàn cho công nhân lao động và cán bộ công đoàn. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ X Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã chỉ rõ các lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đáng chú ý có các nội dung như tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hiệu quả các công trình hạ tầng xã hội và dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; trong đó ưu tiên đầu tư, nâng cấp các công trình cấp nước sạch phục vụ dân sinh và các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động. Đầu tư phát triển giáo dục mầm non hướng về vùng nông thôn và các khu vực tập trung công nhân khu công nghiệp.

Theo đó, chính quyền và các sở, ngành trong tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chính sách quan tâm, tổ chức các hoạt động văn hóa nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh đã lên kế hoạch cụ thể về tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm lo nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ trong công nhân, viên chức và người lao động; tổ chức liên hoan các đội, nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, liên hoan các khu nhà trọ văn hóa, trò chơi dân gian… Đồng thời, các đoàn nghệ thuật của tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, Đội tuyên truyền lưu động của tỉnh phục vụ hằng trăm buổi chiếu phim, chương trình văn nghệ cho công nhân giải trí. Đội chiếu phim số 8 thành lập từ năm 2009, là đội chuyên phục vụ công nhân lao động, định kỳ hàng tháng chiếu 12 - 14 buổi phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân, như: Tổ chức “Ngày hội văn hóa công nhân”, chương trình “Tết sum vầy”, “Tết lao động”, “Ngày hội tư vấn và giải đáp pháp luật lao động”, “Tuần lễ văn hóa công nhân Đồng Nai”… Những mô hình, hoạt động văn hóa này đã cổ vũ, động viên người lao động tích cực thi đua lao động sản xuất, giúp người lao động cải thiện cuộc sống, nâng cao đời sống văn hóa, tích cực lao động góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2016, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn và Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai đã phối hợp tổ chức chương trình phát thanh “Điểm hẹn công nhân”, chương trình phát thanh trực tiếp vào tối thứ bảy hàng tuần trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai. Tháng 5/2017, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng đã thành lập, giới thiệu fanpage “Điểm hẹn công nhân” đến toàn thể đoàn viên, người lao động. Cũng từ tháng 5/2017, chương trình “Điểm hẹn công nhân” được thay đổi từ chương trình phát thanh sang sóng truyền hình, tổ chức 2 lần/tháng, tại các doanh nghiệp, các nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí của công nhân. Từ những hoạt động văn hóa trên, đã thu hút được đông đảo công nhân, người lao động sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai quan tâm tham gia…, góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho hàng trăm nghìn công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh này.

Tháo gỡ những khó khăn…

Hội thi nấu ăn dành cho công nhân lao động ở Đồng Nai. (Ảnh: K.V)

Bên cạnh nhiều kết quả nổi bật đạt được, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay, việc tổ chức các hoạt động văn hóa cho công nhân còn nhiều hạn chế, phần lớn công nhân lao động vẫn chưa được hưởng thụ các hoạt động văn hóa tương xứng với thành quả lao động họ đạt được. Trong điều kiện hiện nay, chưa có bộ phận chuyên trách để xây dựng và trực tiếp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong công nhân lao động nên kết quả thực hiện vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Mặt khác, hầu hết khu công nghiệp chưa có quy hoạch xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân. Thực tế cho thấy, đời sống vật chất khó khăn và cường độ lao động cao khiến mức hưởng thụ văn hóa của công nhân lao động luôn ở mức thấp, phần lớn công nhân lao động chưa được tiếp nhận thông tin thường xuyên và đầy đủ về thông tin chính trị - xã hội và chính sách, pháp luật, trong đó có cả quy định về lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến bản thân người công nhân.

Nguyên nhân của tình hình trên là do nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh với mục tiêu chủ yếu là lợi nhuận, chưa quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí dành cho công nhân lao động. Tỉnh Đồng Nai hiện nay chưa có nhà văn hóa công nhân, các thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp vẫn còn rất thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, giải trí của công nhân lao động. Tại các khu công nghiệp trong tỉnh hiện có sáu doanh nghiệp trong hơn một ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tỉnh có thiết chế văn hóa công nhân. Các hoạt động văn hóa tổ chức cho công nhân còn mang tính phong trào, theo thời điểm, thiếu tính hấp dẫn, lôi cuốn, nội dung hoạt động chưa bắt kịp nhịp sống hiện đại nên ít thu hút được công nhân, nhất là công nhân trẻ tuổi...

Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức hoạt động văn hóa cho công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, địa phương này đã đưa ra nhiều giải pháp như: tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của các thiết chế văn hóa, thể thao trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong thực hiện đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao nói chung và củng cố phát huy hiệu quả hoạt động của các thiêt chế văn hóa, thể thao nói riêng. Hàng năm cấp ủy các ngành, các cấp đưa chương trình, nội dung về huy động các nguồn lực phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân lao động vào chương trình, kế hoạch của ngành, địa phương. Xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo đồng bộ, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hiệu quả việc phê duyệt phát triển các khu công nghiệp phải có quy hoạch xây dựng các công trình văn hóa, xã hội phục vụ công nhân làm việc ở các khu công nghiệp. Chủ các doanh nghiệp phải cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, thể thao của công nhân.

Cùng với đó, các cấp ủy các cấp ngành, địa phương xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chủ động phát động phong trào xây dựng đời sống văn hóa công nhân, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trong doanh nghiệp như: Ký túc xá, hội trường, thư viện, nhà thi đấu đa năng, sân luyện tập thể thao; chăm lo, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của công nhân lao động; định kỳ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao trong công ty hoặc khu công nghiệp; thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao... luyện tập thi đấu trong doanh nghiệp và giữa các công ty; tuyên truyền, vận động, bình xét, biểu dương công nhân có nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp.

Tăng cường hợp tác đầu tư trong xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân lao động trong tỉnh. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Nguồn lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tăng cường đầu tư cho văn hóa. Nâng cấp, cải tạo và xây mới nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa, bảo tàng, thư viện... có chất lượng cao, tính chất hiện đại ở thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, huyện Long Thành, huyện Trảng Bom, huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu... là những địa bàn có các khu công nghiệp và có đông công nhân sống tập trung. Song song với đó là nâng cấp sửa chữa các thiết chế văn hóa, thể thao tại cấp huyện, xã như: Nhà Văn hóa trung tâm, Trung tâm Vãn hóa Thể thao - Học tập cộng đồng... Tăng cường trang thiết bị phù hợp để mở rộng hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân địa phương, trong đó có công nhân sinh sống trên địa bàn. Thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa công cộng phục vụ nhân dân, trong đó có công nhân lao động…

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải có sự tham gia tích cực của Công đoàn, bởi đây là tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên. Theo đó, các hoạt động của Công đoàn cần hướng mạnh vì người lao động, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, trong đó có việc tổ chức các hoạt động văn hóa: Quan tâm đầu tư, nâng cấp chất lượng nội dung hoạt văn hóa như giao lưu văn nghệ, hội diễn, hội thao... Thành lập tổ, nhóm công nhân nòng cốt, tổ chức hoạt động văn hóa cho công nhân lao động theo các câu lạc bộ. Các hoạt động của câu lạc bộ phải trở thành những sân chơi nhằm giúp công nhân lao động giải trí, rèn luyện sức khỏe, nơi để công nhân lao động trao đổi kiến thức về Luật Lao động, Luật Công đoàn, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Sinh hoạt tại câu lạc bộ còn là điều kiện giúp người lao động vượt qua những khó khăn khi xa quê, vươn lên thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Theo số liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 36 khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó có 31 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động; thu hút 1.867 dự án của 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, có 1.561 dự án đã đi vào hoạt động (1.073 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 488 dự án có vốn đầu tư trong nước). Toàn tỉnh có 24.693 doanh nghiệp (trong đó có 1.208 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trên 23.150 là doanh nghiệp tư nhân; thu hút 942.092 lao động làm việc (62.000 lao động trong doanh nghiệp nhà nước, 394.031 lao động trong các doanh nghiệp tư nhân và 486.061 lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm gần 60% tổng số lao động. 

K.V- Lê Thị Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực