Ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người

Thứ hai, 03/12/2018 14:33
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới nước ta đã có những diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội không từ bất cứ thủ đoạn nào để lừa bán nạn nhân nhằm thu lợi bất chính. Để ngăn chặn, đẩy lùi loại hình tội phạm nguy hiểm này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành...
Cơ quan chức năng Việt Nam tiếp nhận nạn nhân bị mua bán do lực lượng Công an Trung quốc trao trả
(Ảnh: QĐ)

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, trong phiên thảo luận về "Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018", bà Phạm Thị Thanh Thủy, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn 2012 - 2017, tội phạm mua bán người xảy ra ở 63 tỉnh/thành với 3.090 nạn nhân, trong đó còn 519 nạn nhân chưa trở về. Ngoài ra, có 868 phụ nữ vắng mặt lâu ngày ở địa phương và hàng nghìn người đang ở nước ngoài chưa có điều kiện xác minh, xác định họ có phải là nạn nhân hay không. Cũng theo bà Thủy, con số này trên thực tế còn lớn hơn nhiều, bởi việc xác định nạn nhân rất khó khăn do nạn nhân và gia đình không muốn hoặc chậm báo cơ quan chức năng.

Thông tin từ các quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng…, trong thời gian qua, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hầu hết các vụ án xảy ra đều có sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước. Đáng chú ý, tội phạm đã lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội như Zalo, Facebook, Wechat, Viber… tiếp cận, làm quen với một số phụ nữ, trẻ em gái. Một số nạn nhân ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số thường bị tội phạm lợi dụng phong tục, tập quán như phong tục cướp vợ của người Mông để dụ dỗ. Nhóm nạn nhân mà các đối tượng thường hướng tới là những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có mâu thuẫn trong quan hệ gia đình, ít hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, hoặc những trẻ em gái mới lớn, hiểu biết hạn chế, ham chơi, đua đòi, thiếu sự quản lý của gia đình. Trong hầu hết các vụ án, địa bàn xảy ra tội phạm thường ở khu vực giáp biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Qua thống kê cho thấy, trên 90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em; thường tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nguyên nhân chủ yếu khiến nạn nhân rơi vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người là do đời sống kinh tế còn nghèo khó, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết. Có khoảng 37,2% số nạn nhân bị buôn bán do gặp những chuyện éo le về tình cảm gia đình, trình độ học vấn thấp; 6,8% các cô gái trẻ học sinh, sinh viên thiếu kỹ năng sống, thiếu hiểu biết xã hội, thích thụ hưởng, ăn chơi, đua đòi, thiếu cảnh giác…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do công tác tuyên truyền về phòng chống mua bán người chưa thực sự hiệu quả, chưa đến được với người dân tại cơ sở. Mặt khác, do sự khác biệt về trình độ, ngôn ngữ của đồng bào vùng dân tộc ít người, trong khi cơ quan chức năng vẫn áp dụng các hình thức tuyên truyền thiếu linh hoạt, nặng về tổ chức hội nghị, phổ biến, phát tài liệu, tờ rơi bằng tiếng phổ thông khiến việc tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế. Cùng với đó, việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa ở một số gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động. Các đối tượng phạm tội lợi dụng chính sách mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, để đưa người trái phép ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép… Chị Vàng Thị S, một nạn nhân người dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang cho biết: “Ban đầu các đối tượng rủ ra nước ngoài bán hàng sẽ được trả lương cao. Khi đi qua biên giới, chúng thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú và đưa chúng tôi vào các tụ điểm mại dâm; một số người còn bị chúng cưỡng bức nếu không chịu nghe lời hoặc tìm cách bỏ trốn”.

Chia sẻ với báo chí, đồng chí Đại tá Lê Văn Chương, Phó Chánh văn phòng thường trực 130 phòng, chống tội phạm và ma túy (Bộ Công an) cho biết: Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh như: Lợi dụng tình trạng đưa người di cư trái phép, thiếu lao động phổ thông, mất cân bằng giới tính; lợi dụng công nghệ thông tin tuyển dụng lao động xuất khẩu trái phép; thiếu việc làm, đói nghèo; lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước..., dẫn tới sự gia tăng tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em là cơ sở chính để bọn tội phạm mua bán người lợi dụng.

Tuyên truyền tại các phiên chợ trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức của người dân tại khu vực biên giới
(Ảnh: QĐ)

Vì thế, để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người, vấn đề cốt lõi hiện nay đó là phải tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó, trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua, bán người... để từ đó các cấp, các ngành xác định rõ nhiệm vụ, thống nhất nhận thức, tăng cường chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Phải phát động phong trào toàn dân đấu tranh, tham gia phòng chống tội phạm mua bán người; đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường xây dựng mới chuyên trang, chuyên mục, tin bài bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc ít người; truyền thông trực tiếp tại các phiên chợ vùng cao, trường học để truyền tải các thông điệp về phòng, chống mua bán người, nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa tội phạm.

 
Còn theo đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Mận, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, người có kinh nghiệm gần 20 năm đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, thì cần tập trung cải thiện đời sống của nhân dân ở các khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm có thu nhập ổn định, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khắc phục những sơ hở trong các lĩnh vực xuất khẩu lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là mô hình Nhà Nhân ái, Ngôi nhà bình yên, Trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…

Mua bán người là loại hình tội phạm đặc biệt nguy hiểm bởi những hệ lụy lâu dài đối với bản thân nạn nhân và toàn xã hội. Việc chung tay của các tổ chức, các lực lượng trong thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người, bảo đảm đời sống bình yên cho người dân./.

Bài, ảnh: Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực