Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất

Thứ sáu, 20/07/2018 09:43
(ĐCSVN) - Theo báo cáo nhanh ngày 20/7 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, dự báo ngày và đêm 20/7, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên ở khu Đông Bắc, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.
Thái Bình huy động lực lượng khắc phục sự cố sạt lở đê biển (Nguồn: daidoanket.vn)

Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1; riêng các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh: cấp 2.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất: Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt các tỉnh như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; ngập lụt tại vùng trũng và đô thị ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Về tình hình thủy văn các sông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, mực nước sông Hoàng Long, sông Thao, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An đang lên. Mực nước lúc 4h ngày 20/7: sông Hoàng Long tại Bến Đế: 3,8m (dưới báo động 3 là 0,2m); sông Thao tại Yên Bái: 30,39m (trên báo động 1 là 0,39m); sông Bưởi tại Kim Tân: 10,43m (trên báo động 1 là 0,43m); sông Mã tại Lý Nhân: 8,09m (dưới báo động 1 là 1,41m); sông Cả tại Dứa 21,95 (dưới báo động 2 là 0,55m)

Dự báo: Lũ trên các sông tiếp tục lên và dao động ở mức báo động 1 - báo động 2, đến 19h ngày 20/7: sông Hoàng Long tại Bến Đế: 4,4m (trên báo động 3 là 0,4m); sông Thao tại Yên Bái: 31m (báo động 2); sông Bưởi tại Kim Tân: 11m (báo động 2); sông Mã tại Lý Nhân: 9,5 m (báo động 1); sông Cả tại Dứa 21,9 (dưới báo động 2 là 0,6m).

Về tình hình hồ chứa, hồ Hòa Bình đang duy trì mở 02 cửa xả đáy (hồ Hòa Bình đóng 01 cửa xả đáy vào lúc 12h00 ngày 19/7/2018). Tùy theo diễn biến mưa, lũ trên sông Đà trong thời gian tới sẽ xem xét quyết định việc vận hành hồ Hòa Bình cho phù hợp, đảm bảo đúng quy định.

Về tình hình đê điều, sự cố sạt mái phía đồng đê biển 5, tỉnh Thái Bình tại 5 đoạn từ K7+630-K7+650; K7+680-K7+720; K7+745-K7+770; K7+875-K7+895; K8+100-K8+130: Tổng chiều dài tuyến đê bị sạt lở là 135m, đã hoàn thành đóng hàng cừ giữ chân và xử lý giờ đầu, đang tiếp tục đắp cơ phản áp rộng 2m và đắp trả mái đê. Dự kiến hoàn thành trong ngày 20/7/2018.

Về tình hình thiệt hại, theo báo cáo nhanh của các địa phương, thiệt hại bước đầu tính đến 7h00 ngày 20/7 như sau: Có 1 người bị thương (Nghệ An); 21 nhà bị sập (Yên Bái: 08 nhà; Hòa Bình: 01 nhà; Quảng Ninh: 01 nhà; Thanh Hóa: 03 nhà; Nghệ An: 07 nhà; Hà Tĩnh: 01 nhà); 827 nhà bị ngập (Yên Bái: 17 nhà; Hòa Bình: 34 nhà; Quảng Ninh: 46 nhà, Thanh Hóa: 730 nhà); 365 nhà phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 15 nhà, Yên Bái: 11 nhà, Hòa Bình: 118 nhà, Quảng Ninh: 206 nhà, Thanh Hóa: 15 nhà); 24 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 3.940 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; diện tích thủy sản bị ảnh hưởng: 2.868 ha (Thanh Hóa: 542 ha; Nghệ An: 2.326 ha).

Về tình hình ngập úng lúa, hoa màu: hiện nay, các khu vực thấp trũng ven biển từ Nam Định đến Hà Tĩnh vẫn đang ngập sâu (các tỉnh hiện đang thống kê). Theo báo cáo số 159/TCTL-QLCT ngày 19/7/2018 của Tổng cục Thủy lợi, tính đến 17h00 ngày 19/7, tình hình ngập úng như sau: Lúa: 69.890 ha (Nam Định: 27.530 ha; Ninh Bình: 5.290 ha; Hòa Bình: 80 ha; Hà Nội: 293ha; Thanh Hóa: 14.590 ha; Nghệ An: 12.250 ha; Hà Tĩnh: 6.940 ha). Hoa màu: 12.570 ha (Thanh Hóa: 2.600 ha; Nghệ An: 6.740 ha; Hà Tĩnh: 3.200 ha). Hiện các địa phương đã triển khai vận hành các trạm bơm và mở các cống tiêu để tiêu nước cho vùng diện tích ngập úng (Nam Định: 307 máy bơm và 06 cống tiêu; Ninh Bình: 284 máy bơm và 11 cống tiêu; Thanh Hóa: 236 máy bơm và 10 cống tiêu).

Về giao thông: Tại Yên Bái: Tuyến đường tỉnh lộ 174 tắc cục bộ do nước suối chảy và bùn tràn qua đường, đến chiều ngày 19/7 đã thông tuyến. Tại Sơn La: Quốc lộ 6 đoạn qua khu vực xã Lóng Luông sạt lở 1000m3 đất, đá; có 7 điểm bị ngập úng cục bộ trên các tuyến tỉnh; một số tuyến đường liên xã bị cô lập do ngập nước. Đến tối ngày 19/7 các vị trí đã cơ bản được xử lý đảm bảo thông tuyến. Tại Quảng Ninh: Giao thông chia cắt không vào được thị trấn Ba Chẽ do ngầm tràn đang bị ngập sâu 2m. Tại Nghệ An: Tuyến đường Hương – Phú – Hành, tuyến đường xã Đồng Văn đi Tân Hợp, tuyến đường trên địa bàn xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Cao Sơn bị chia cắt tại một số điểm ngầm tràn đang bị ngập sâu.

Để ứng phó với thiên tai, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cần khẩn trương huy động các lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả ngay sau khi bão đi qua; đặc biệt là sự cố hư hỏng đê biển 5 tỉnh Thái Bình.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa sau hoàn lưu bão, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa vụ mùa mới gieo sạ, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích lúa bị mất trắng.

Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước. Tổ chức tính toán vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Hồng, các hệ thống liên hồ chứa khu vực miền Trung phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ, đảm bảo an toàn chống lũ theo quy trình được duyệt.

Các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Riêng tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực