Những tấm lòng thiện nguyện âm thầm tri ân các liệt sỹ

Thứ tư, 27/07/2016 11:07
(ĐCSVN) – Chỉ chưa đến hai năm, 500 liệt sỹ hiện có phần mộ nhưng thiếu hoặc chưa chính xác thông tin tại các nghĩa trang liệt sỹ đã được Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ (MARIN) thuộc Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam thực hiện xác minh thông tin và phối hợp với tìm kiếm thân nhân.

Liệt sỹ Nguyễn An Trung, nhập ngũ tháng 7/1967. Cái tên Nguyễn An Trung không phải do cha, mẹ hay người thân thích nào đặt cho liệt sỹ từ thuở ấu thơ mà đó là “cái tên do nông trường Sông Cầu, Bắc Thái đặt cho Trung bởi nó là con nuôi của nông trường. Tôi không còn nhớ Trung đến đội khi nào nữa. Chỉ nhớ ngày đó nó nhỏ lắm, tầm 12, 13 tuổi. Hỏi nó tên gì, cha mẹ là ai, nó chả biết nên chúng tôi đặt cho nó là Nguyễn An Trung”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hậu, sinh năm 1938, đội trưởng một đội sản xuất chè ở nông trường Lê Hồng Phong chia sẻ với bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc MARIN như thế khi chị cùng anh em trong Trung tâm tìm gặp ông.

Giám đốc MARIN, đại tá Nguyễn Quốc Hưng (phải) trao hồ sơ thân nhân
cho bà Vũ Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, cơ quan đại diện cho liệt sỹ Nguyễn An Trung - Ảnh: Minh Châu

Tháng 7/1967, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Nguyễn An Trung xung phong đi bộ đội và đi cùng đợt với ông Nguyễn Văn Hậu. “Khi khai hồ sơ nó bảo chả có ai thân thiết nên khi báo cứ báo về nông trường”, ông Hậu nhớ lại. Và như một cơ duyên, vào đến Quảng Trị, Nguyễn An Trung lại về cùng đơn vị với ông: C4, D2, E7, Bộ Tư lệnh Công binh chiến đấu tại khu vực Hướng Hóa.

“Là lính công binh nhưng Trung bắn rất giỏi nên thường xuyên được phân công đi bắn thú rừng làm lương thực cho đơn vị. Một hôm cậu ấy đi bắn và bắn trúng con khỉ mẹ đang nuôi con, máu trào ra từ bụng nhưng khỉ mẹ vẫn gắng gượng chuyền từ cành này sang cành khác để về tới nơi, cho con bú xong thì buông tay rơi xuống chết. Trung thấy cảnh ấy ám ảnh, nghĩ đến thân phận mồ côi của mình nên không bao giờ đi bắn khỉ nữa”, ông Hậu kể về người em, người đồng đội của mình.

Và người lính ấy đã nằm lại chiến trường Quảng Trị sau trận B52 ngày 06/10/1970. Đồng đội tìm thấy anh khi chỉ còn lại một phần thân thể và chôn anh ven bờ suối. Từ những thông tin về liệt sỹ Nguyễn An Trung do MARIN cung cấp, Ủy ban nhân dân thị trấn Sông Cầu đã đứng ra nhận là đại diện của liệt sỹ, nhận kết quả điều chỉnh thông tin trên bia mộ.

“Khi biết được thông tin từ MARIN có một người lính ra đi từ thị trấn Sông Cầu còn nằm lại chiến trường và biết được hoàn cảnh của liệt sỹ, chúng tôi đã cùng với MARIN quyết tâm tìm mọi cách sớm điều chỉnh những thông tin chưa chính xác để đón liệt sĩ trở về như tâm nguyện của chú ấy lúc còn sống”, bà Vũ Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu chia sẻ.

Một trường hợp khác là liệt sỹ Trần Văn Thi, sinh năm 1951, quê quán Đô Lương, Nghệ An. Hy sinh năm 1970 ở tuổi 19, thông tin trong giấy báo tử chỉ vỏn vẹn “hy sinh tại mặt trận phía nam”. 45 năm liệt sỹ hy sinh là chừng đó thời gian gia đình, người thân trông ngóng. “Cứ vào dịp 27/7, gia đình tôi lại tổ chức một chuyến đi dọc chiều dài đất nước, vừa để thắp nén hương tri ân những liệt sỹ đã ngã xuống, vừa tìm kiếm thông tin về người thân, chỉ mong sao có ngày được thắp nén nhang trước phần mộ những người liệt sỹ trong gia đình”, anh Trần Giang Nam, cháu ruột liệt sĩ Thi cho biết.

Cách đây bốn tháng, gia đình liệt sỹ Thi nhận được thông tin từ MARIN đã tìm thấy phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trên bia mộ ghi liệt sỹ Trần Văn Thái nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, liệt sỹ Trần Văn Thái không ai khác chính là liệt sỹ Trần Văn Thi.

“Khi biết nơi chú Thi yên nghỉ, cả nhà tôi đều khóc. Vậy là tâm nguyện của biết bao người trong gia đình, trong đó có nhiều người đã về thế giới bên kia cùng chú sau hơn 45 năm đã trở thành hiện thực”, anh Nam xúc động chia sẻ.

Không chỉ trường hợp của liệt sỹ Nguyễn An Trung, liệt sỹ Trần Văn Thi mà từ tháng 8/2014 đến 30/6/2016, MARIN đã thực hiện xác minh thông tin và phối hợp với Cục Người có công (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Trung tâm Tình nguyện Quốc gia tìm kiếm thân nhân của 500 liệt sỹ hiện có phần mộ nhưng thiếu hoặc chưa chính xác thông tin tại các nghĩa trang liệt sỹ.

Đồng thời, MARIN đã thực hiện hỗ trợ pháp lý cho thân nhân liệt sỹ trong việc hoàn thiện hồ sơ và thay mặt thân nhân liệt sỹ kiến nghị các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ trên toàn quốc.

Bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc MARIN cho biết, MARIN hiện là đơn vị duy nhất đã thực hiện và có kinh nghiệm trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sỹ trên bia mộ tại các phần mộ thiếu hoặc sai thông tin; khai thác có hiệu quả hai nguồn hồ sơ là Hồ sơ quân nhân hy sinh – mất tích trong chiến tranh và Hồ sơ liệt sỹ quy tập. Từ hai nguồn hồ sơ này, MARIN đã ứng dụng thành công phương pháp khoa học tích hợp công nghệ số tổng hợp số liệu hy sinh để tìm ra các kết quả trùng khớp về nơi hy sinh, ngày hy sinh, từ đó phân tích số liệu, tìm ra kết quả chính xác.  

MARIN cũng là đơn vị duy nhất hoạt động trên cơ sở tình nguyện từ ban cố vấn, ban giám đốc, các luật sư, tư vấn viên, cộng tác viên pháp luật, đội ngũ tình nguyện viên đều không hưởng lương. “Chúng tôi đều làm việc với tất cả tấm lòng tri ân những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc”, bà Hằng chia sẻ.

Mục tiêu trong 5 năm tới của MARIN là tiếp tục thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho các thân nhân liệt sỹ trong việc nhận lại chính xác 5.000 phần mộ liệt sỹ hiện đã quy tập nhưng còn thiếu hoặc sai thông tin. Thực hiện dự án ráp nối thông tin để trả lại chính xác tên, nguyên quán cho 541 liệt sỹ hy sinh từ ngày 21/11/1966 đến ngày 18/6/1969 tại khu vực Phước Tuy (cũ). Hỗ trợ thân nhân trong việc tư vấn, lấy mẫu hài cốt miễn phí phục vụ công tác xác định ADN tìm liệt sỹ khi thân nhân có nhu cầu, bà Ngô Thị Thúy Hằng cho biết./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực