Nỗi lo thiếu con gái!

Thứ năm, 11/07/2019 14:46
(ĐCSVN) - Do chịu ảnh hưởng của định kiến xã hội, chúng ta vẫn quen trọng có con trai để nối dõi tông đường, không ai mong nhiều con gái, từ đó gây ra hệ lụy mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Tuy nhiên tư tưởng đó cần phải thay đổi để tránh mất cân đối về giới.
 Ảnh minh họa. (Nguồn:giadinh.net.vn)

Ngày 9/7/2019 tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức mít tinh, cổ động hưởng ứng  Ngày Dân số thế giới (11/7). Tại buổi lễ, khi phát biểu về nội dung tỷ số giới tính khi sinh, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định rằng, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở Thủ đô vẫn ở mức cao, đặc biệt ở một số huyện ngoại thành…

Cụ thể, theo báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái; ở một số huyện ngoại thành, như Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức... tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao. Ở huyện Sóc Sơn, tỷ lệ giới tính khi sinh giữa trẻ trai và gái 6 tháng đầu năm nay là 120/100. Ở huyện Quốc Oai hay Mỹ Đức, con số này là 115/100.

Rõ ràng, đây không còn là vấn đề riêng của Hà Nội nữa, mà nó là vấn đề mang tính phổ quát.

Theo Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, tỷ số chênh lệch giới tính - sinh nam nhiều hơn nữ của nước ta hiện nay tiếp tục tăng nhanh. Năm 2018, tỷ lệ giới tính khi sinh là 115,1 bé trai/100 bé gái, tăng 3% so với năm 2017, không đạt được mục tiêu giảm chênh lệch còn 112,8 bé trai/100 bé gái (mức chuẩn sinh học bình thường là 105 trẻ nam trên 100 trẻ gái chào đời).

Đáng chú ý, Sơn La là tỉnh đứng đầu với chênh lệch giới tính khi sinh với 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Bốn tỉnh tiếp theo có tỷ lệ sinh bé trai nhiều hơn gái là Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương. Có nghĩa rằng, không cứ miền núi hay đồng bằng, sự mất cân bằng giới tính khi sinh đều lớn.

Tình trạng trên đang đặt ra thách thức không hề nhỏ, trước là dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội, sau sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai.

Theo cơ quan chức năng, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Về lâu dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình...

Thêm nữa, bình quân mỗi năm Việt Nam có khoảng 20.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, đây đang là một thực trạng nguy hiểm gây mất cân đối tỉ lệ giới nghiêm trọng cho nước ta.

Bên cạnh đó, theo Luật Hôn nhân và gia đình thì mỗi người chỉ có 1 vợ 1 chồng, chính sách dân số một thời gian dài thì khuyến khích mỗi gia đình nên có 1- 2 con. Nhiều gia đình sinh ít đã tiến hành sàng lọc giới tính, cơ hội ra đời cho bé gái như cánh cửa vốn hẹp lại khép hẹp hơn.

Nhiều người sẽ thử hỏi, số con gái thiếu hụt này sẽ lấy ở đâu ra? Và việc phải “nhập khẩu” cô dâu diễn ra ở một số nước hiện nay sẽ là viễn cảnh không xa với Việt Nam chúng ta.

Năm 2016, Thái Bình là tỉnh đầu tiên thử nghiệm thưởng quạt cho những người sinh con gái. Ngay trong đợt đầu của chương trình độc đáo này đã có hàng chục cặp vợ chồng đầu tiên được nhận thưởng. Đây rõ ràng là một động thái “đi trước đón đầu”, bởi địa phương này vốn là một trong những tỉnh có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao (có thời điểm 114/100) nên Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình đã có sáng kiến trích một phần kinh phí để thưởng quạt cho 32 gia đình sinh con gái một bề không sinh thêm đứa thứ ba, nuôi con giỏi, dạy con ngoan. Việc làm này hẳn cho đến nay vẫn còn nguyên tính tiên phong, tiến bộ, thức thời.

Nước ta là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán, trong đó có tục "trọng nam, khinh nữ". Nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cùng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới, nguyên nhân cơ bản dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giới tính nghiêm trọng khi sinh.

Khi Việt Nam phát triển công nghệ siêu âm xác định giới tính trước sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính càng tăng. Nhiều người sẵn sàng nạo phá thai khi biết đứa bé trong bụng không phải là con trai. Hơn nữa, ngày nay nhiều người chấp nhận chuẩn gia đình chỉ từ 1-2 con. Vì vậy, nhiều cặp vợ chồng đã chủ động áp dụng những thành tựu của khoa học để lựa chọn giới tính thai nhi. Trong khi đó, quy định pháp luật xử lý vi phạm với người cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi chưa đủ sức răn đe.

Đã đến lúc chúng ta cần nhận thức rằng, chênh lệch giới tính sẽ tạo ra một nguy cơ thách thức lớn cho sự phát triển chung và ổn định của xã hội. Đã đến lúc hành động để thay đổi, hướng tới một cơ cấu dân số vàng và tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên như mong muốn.

Các ban ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để nhân dân cần thay đổi quan niệm, tư tưởng, định kiến về phân biệt giới tính. Cần có chế tài xử lý nghiêm hành vi lựa chọn giới tính của các cơ sở dịch vụ, bởi hành vi này đang can thiệp về giới tính trái với quy luật tự nhiên, gây ra nhiều hệ lụy khó lường về sau.

Thực tế cuộc sống đòi hỏi phải có thêm cơ chế, chính sách phù hợp. Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Đảng đã có sức lam tỏa đến từng địa phương, các tầng lớp nhân dân. Chủ trương đúng đắn đã tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dân số, đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý…

Việc thiếu hụt con gái trong một tương lai gần nếu không được tháo gỡ sớm, sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giới,  ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. Và nhãn tiền đang hiển hiện trong nỗi lo mang tên: Thiếu con gái!             

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực