Phát huy vai trò các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực an sinh xã hội ​

Thứ tư, 19/12/2018 19:38
(ĐCSVN) – Hiện nay, các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực an sinh xã hội, trợ giúp xã hội tại địa phương nào cũng có, lĩnh vực hoạt động rộng. Kết quả hoạt động của các NGO đã trực tiếp giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội thay đổi cuộc sống, là mô hình tốt cho việc tăng cường năng lực ở địa phương.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: BL)

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Nguyễn Ngọc Toản, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Việt Nam hiện có trên 10 triệu người cao tuổi; khoảng 7,6 triệu người khuyết tật; khoảng 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 1,6 triệu hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,72%; 1,3 triệu hộ cận nghèo chiếm 5,32%; 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện; hơn 210 nghìn người nghiện ma túy; khoảng 30 nghìn nạn nhân bị bạo lực, bạo hành gia đình. Ngoài ra, thiên tai hàng năm khiến hàng trăm người chết, mất tích, hàng ngàn người bị thương, hàng trăm hộ gia đình nhà sập, hư hỏng nặng; khoảng 1,8 lượt hộ thiếu đói.

Như vậy, tính chung khoảng 25% dân số cần trợ giúp xã hội, khoảng 3 triệu người cần trợ cấp xã hội, 1,8 lượt hộ cần hỗ trợ lương thực. Tất cả những đối tượng cần bảo trợ xã hội đều là những người có sức khỏe kém; văn hóa, chuyên môn hạn chế; đời sống khó khăn, nghèo; thiếu các điều kiện tham gia hòa nhập xã hội….Bởi vậy, họ rất cần đến sự trợ giúp và chăm sóc của Nhà nước và xã hội.

Theo đánh giá chung, Nhà nước đã có đầu tư và chính sách tương đối toàn diện trên các phương diện nhằm bảo đảm nhu cầu trợ giúp của đối tượng, người hưởng lợi đã thay đổi về đời sống vật chất và tinh thần, đã có nhiều người hưởng chính sách đã vươn lên có đóng góp cho xã hội…Tuy nhiên, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống chính sách chưa cao, còn bỏ sót đối tượng; hệ thống tổ chức chưa đồng bộ cả nguồn nhân lực, kinh phí; vai trò xã hội các tổ chức phi chính phủ chưa thật sự được phát huy…

TS Nguyễn Ngọc Toản cũng cho biết hiện nay, các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp xã hội tại địa phương nào cũng có, lĩnh vực hoạt động rộng. Kết quả hoạt động của các NGO đã trực tiếp giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội thay đổi cuộc sống, là mô hình tốt cho việc tăng cường năng lực ở địa phương.  Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức này thường ngắn, chưa đủ để xây dựng thành mô hình; các hoạt động ít được tổng kết để đưa thành chính sách nên tính bền vững không cao, hoạt động còn mang tư tưởng nhân đạo từ thiện.

Bởi vậy, cần phát huy vai trò hoạt động của các tổ chức phi chính phủ tại các địa phương, phải tập trung ưu tiên hỗ trợ sinh kế; cần đặt nền tảng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân, hướng vào nhóm đối tượng và nhu cầu hỗ trợ mà chính sách chưa bao phủ đầy đủ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam trong những năm qua về cơ bản đã được triển khai hiệu quả, phù hợp với định hướng và ưu tiên của Việt Nam. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã góp phần phần giới thiệu những phương pháp tiếp cận bền vững, có hiệu quả, nâng cao năng lực cán bộ và cộng đồng. Các chương trình dự án đã góp phần thực hiện các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong xóa đói giảm nghèo và phát triển, từng bước giúp người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động của tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực an sinh xã hội tại Việt Nam cần chú trọng hoàn thiện các văn bản pháp quy liên quan đến công tác phi chính phủ nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi, phát huy vai trò các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực