Phú Thọ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nghèo

Thứ năm, 31/10/2013 15:09

Lao động nông thôn học nghề sửa chữa xe máy
ở Phú Thọ. Ảnh: danviet.vn

Sau 3 năm thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Thọ đã có 15.837 lao động nông thôn được học nghề, trong đó nghề phi nông nghiệp chiếm 26,3%, nghề nông nghiệp chiếm 73,7%.

Sau khi học nghề, các lao động đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng vào sản xuất lao động, tăng thu nhập, tìm việc làm mới từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động tại các khu vực khó khăn.

Trong số lao động được học nghề trên, có 12.812 người có việc làm sau khi học nghề, trong đó 533 người thuộc hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, 189 người thuộc hộ gia đình nghèo đã có việc làm và đời sống đã khá hơn.

Tại huyện miền núi Thanh Sơn, lao động nông thôn được học 16 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 7 nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt 72%, trong đó số người có việc làm tại địa phương chiếm 40%; số người có việc làm trong tỉnh là 20% và 10% có việc làm ngoài tỉnh. Bà Đinh Thị Diện ở khu 7, Lục Lương, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn cho biết, có đi học thì mới biết mình còn thiếu nhiều kiến thức trong chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Trước kia, một con lợn hay gà bị bệnh phải đôn đáo đi gọi thú y, nhưng nay, sau khi học bà đã biết tự mua thuốc về trị bệnh cho đàn vật nuôi.

Theo số khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ thì nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh gia đoạn 2011-2015, toàn tỉnh cần hơn 80.000 lao động kỹ thuật, trong đó cao đẳng nghề là 10.669 người, trung cấp nghề 14.199 người, sơ cấp nghề 40.039 người, học nghề dưới 3 tháng là 14.421 người.

Trên cơ sở đó, tỉnh Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn giúp người lao động lựa chọn đúng nghề, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa; chú trọng công tác rà soát, lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp, sát với nhu cầu thực tế; đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; tăng cơ hội tìm việc làm, giúp người lao động có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống, góp phần tích cực phong trong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Phú Thọ là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số trên 238.000 người, chiếm 17,7% dân số toàn tỉnh. Do đó, việc triển khai Đề án 1956 được tỉnh Phú Thọ đặc biệt chú trọng, nhằm đẩy nhanh tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực