Quảng Nam: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc người có công

Thứ sáu, 25/05/2018 14:55
(ĐCSVN) - Trong 5 năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn xác định, công tác thương binh, liệt sỹ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.
Sáng 25/5, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (2013 - 2017). Đồng chí Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tập trung đánh giá toàn diện tình hình, những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, các vướng mắc trong công tác thương binh, liệt sỹ, người có công trên địa bàn bàn tỉnh; rút ra những bài học kinh nghiệm; đề xuất, kiến nghị với Trung ương những biện pháp nhằm tháo gỡ các bất cập, vướng mắc để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi đối với người có công ngày càng hiệu quả hơn.

Theo đồng chí Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Nam là địa phương có số lượng đối tượng chính sách, người có công với cách mạng đông (chiếm hơn 23% dân số) với trên 65.400 liệt sỹ; 30.500 thương bệnh binh; trên 45.400 người có công giúp đỡ cách mạng; trên 11.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày; trên 33.700 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; gần 6.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học… Đặc biệt, cả tỉnh có 15.039 Mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”, trong đó có 2.581 Mẹ được phong tặng, hiện còn sống 812 Mẹ.

Trong 5 năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Quảng Nam xác định: Công tác thương binh, liệt sỹ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, từ 2013 - 2017, toàn tỉnh đã xác nhận mới trên 18.300 trường hợp (39 liệt sỹ, 40 thương binh; 1.661 bệnh binh; 1.652 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.369 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 5.948 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày; 274 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; phong tặng và truy tặng 6.686 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng…).

Quảng Nam đã thực hiện chế độ trợ cấp thường xuyên và một lần cho trên 209.400 lượt đối tượng; thực hiện chế độ điều dưỡng thường xuyên luân phiên cho 96.054 lượt người... Hiện toàn tỉnh có gần 60.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; 100% Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng đến cuối đời với mức bình quân trên 800.000 đồng/tháng/Mẹ.

Ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương gần 162 tỷ đồng, tỉnh đã huy động trên 114,8 tỷ đồng nâng cấp, hoàn chỉnh 65 nghĩa trang liệt sỹ, xây 48 đài tưởng niệm và nhiều công trình ghi công liệt sỹ khác; sửa chữa, tôn tạo gần 70.000 lượt mộ liệt sỹ; tổ chức tìm kiếm, quy tập hơn 700 hài cốt liệt sỹ vào các nghĩa trang liệt sỹ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thương binh, liệt sỹ và người có công theo tinh thần Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng tại Quảng Nam trong thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đối với người có công có lúc chưa đầy đủ, chưa rộng khắp; việc xác lập thủ tục xác nhận người có công ở một số nơi chưa đảm bảo quy trình; công tác quản lý đối tượng nhiều nơi chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp thực hiện chế độ chưa kịp thời, còn để xảy ra trùng hưởng, hưởng chế độ không đúng quy định dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu nại, vướng mắc; việc xác lập hồ sơ xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, hồ sơ Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn chậm; nhiều trường hợp thật sự tham gia kháng chiến nhưng không có giấy tờ gốc nên không đủ điều kiện xác lập hồ sơ xác nhận đối tượng…

Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công
với cách mạng tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Đình Tăng).

Tại Hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân đã có những tham luận, ý kiến đánh giá làm rõ hơn công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; trong đó có những điển hình về các mặt công tác này như: Thị xã Điện Bàn; các huyện Quế Sơn, Núi Thành, Tiên Phước; TP.Tam Kỳ… Qua đó, nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cũng được đề cập, đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Phát huy kết quả đạt được, Hội nghị xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn cần tập trung trong thời gian tới, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, qua đó khẳng định công tác “đền ơn đáp nghĩa” không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội; tiếp tục rà soát, chỉ đạo và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác chăm sóc người có công cũng như việc thực hiện các chính sách đối với người có công theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công; tổ chức tổng kết, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hiệu quả, tiêu biểu trong công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng…

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực