Tấm lòng từ thiện của cô Út Nữ

Thứ ba, 21/05/2019 16:44
(ĐCSVN) - Với tấm lòng từ thiện, gần 40 năm nay, bà Nguyễn Ngọc Nữ ở ấp Phú Thọ, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã trực tiếp bắt mạch, hốt thuốc chữa bệnh miễn phí cho nhiều người dân khắp nơi, luôn được mọi người quý mến với tên gọi gần gũi là “Cô Út Nữ” hay “Bà Út từ thiện”.
Bà Nguyễn Ngọc Nữ (ngồi bên phải) khám bệnh, hốt thuốc miễn phí cho bệnh nhân tại Tổ Đông y ở ấp Phú Thọ, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Đã hơn 70 tuổi, gương mặt phúc hậu, mái tóc bạc phơ và sức khỏe cũng không còn được như trước, nhưng cứ đều đặn các ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, cô Út Nữ đều tổ chức bắt mạch, hốt thuốc trị bệnh miễn phí cho nhiều người dân khắp nơi đến Tổ Đông y,  cạnh UBND xã Đông Phú.

Cô Út Nữ cho biết: Trước đây, cha của cô làm nghề thầy thuốc nam. Lúc nhỏ, cô đã từng theo để phụ giúp. Sau đó vì nhiều lý do, cô lại học ngành sư phạm, trở thành giáo viên dạy học. Năm 1983, trong một lần đi dạy học gặp một người bị bệnh, cô mới nghĩ ra cách dùng các vị thuốc nam để giúp họ vượt qua nguy hiểm. Từ đây, cô đã xin nghỉ dạy và chuyên tâm học cách chữa bệnh bằng thuốc nam. Khám bệnh, hốt thuốc là công việc hệ trọng vì liên quan đến tính mạng con người nên cô Út Nữ đã theo học lớp Y sĩ Đông y và tham dự nhiều lớp tập huấn khác về nghề thuốc, đặc biệt là tự trau dồi kiến thức qua kinh nghiệm thực tế.

Cô Út Nữ tâm sự: “Người bệnh là ông thầy dạy mình. Rút kinh nghiệm từ các ca bệnh nên tôi cố gắng sưu tầm từng vị thuốc để cứu người. Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người, vì vậy giúp mọi người chữa lành bệnh là tôi cảm thấy rất mừng”.

Với sự nhiệt tình và cách chữa bệnh hiệu quả, ngày càng có nhiều người bệnh ở các tỉnh như: Long An, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng… cũng tìm đến chữa trị.

Anh Nguyễn Hùng Lĩnh (trú tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đến khám bệnh và hốt thuốc tại phòng khám chia sẻ: “Được người quen giới thiệu nên gần 6 tháng nay, tôi đến phòng khám của cô Út Nữ để chữa trị căn bệnh trĩ đã kéo dài từ nhiều năm nay. Từ ngày cắt thuốc về uống, bệnh của tôi đã giảm nhiều, việc sinh hoạt cũng thuận lợi hơn. Tôi rất cảm ơn trước nghĩa cử hốt thuốc miễn phí, chẳng bao giờ chịu nhận thù lao công sức, thuốc men của cô Út Nữ”.        

Còn anh Lê Thành Phúc, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Cô Út Nữ rất nhiệt tình, luôn quan tâm thăm hỏi người bệnh an tâm khi chữa trị. Thấy phòng khám miễn phí nên mỗi lần xuống khám bệnh, tôi đều hái ít thuốc nam mang xuống gửi lại cho phòng khám”.

Để Tổ Đông y hoạt động, ngoài sự nỗ lực của Cô Út Nữ, thời gian qua đã có rất nhiều người cùng chung tay làm từ thiện. Những người này hầu hết từng được cô giúp chữa khỏi bệnh đã tự nguyện ở lại để góp sức. Trong số những người chung tay, góp sức với cô Út Nữ làm từ thiện thì trường hợp của bà Cao Thị Bông (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) là đặc biệt hơn cả. Bà Bông bị cụt một chân, đi đứng khó khăn, nhưng vì cảm mến bà Út Nữ đã giúp mình khỏi bệnh nên bà tự nguyện đi tìm kiếm thuốc chẳng ngại đường xa. Bà Bông tâm niệm rằng, cô Út Nữ đã qua tuổi thất tuần mà còn hết lòng với người bệnh thì những đóng góp của mình có đáng là gì, nhất là khi người bệnh cần giúp đỡ ngày càng nhiều thêm.

Cũng chung tay góp sức với cô Út Nữ, nhưng cách làm của bà Trần Thị Kim Xuyến (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) thì lại khác. Vợ chồng bà Xuyến sẵn sàng cho mượn phần đất mặt tiền cặp lộ để Tổ Đông y dựng nhà chứa nguyên liệu thuốc và xây sân phơi thuốc. Vợ chồng bà Xuyến còn tham gia đẽo thuốc với mọi người để thuốc có nhiều và kịp thời, không để người bệnh bị gián đoạn trong điều trị. Mới đây, nhiều người còn đóng góp giúp cho Tổ Đông Y được 1 cái máy xắt thuốc để giảm nhẹ công sức, thuốc cũng có được nhanh hơn, đều hơn. Tất cả những cộng sự của cô Út Nữ đều xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện, đặc biệt là sự cảm kích trước tấm lòng thiện nguyện của người thầy thuốc đã ở tuổi thất tuần.

Để cô Út Nữ có thể chuyên tâm với công tác từ thiện, ngoài tấm lòng yêu thương của nhiều người thì còn có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương, đặc biệt là người bạn đời là ông Phạm Văn Bé. Gần bốn mươi năm qua, gần như ông Bé cáng đáng hết việc nhà; ngoài ra, còn trích tiền lời từ vườn ruộng của gia đình để mua thêm thuốc chữa trị cho bệnh nhân.

Do Tổ Đông y nằm ở xã vùng nông thôn nên buổi trưa mọi người thường gặp khó khăn cho việc tìm địa chỉ ăn trưa. Thấy được những khó khăn đó, cô Út Nữ bàn với các hội viên ở Tổ Đông Y nấu cơm miễn phí cho những người bệnh ở xa ăn, vừa tiết kiệm chi phí cho bà con, vừa ấm áp nghĩa tình. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có từ 30-50 lượt bệnh nhân đến khám bệnh.

Không dừng lại ở việc khám bệnh, hốt thuốc miễn phí, thời gian qua, cô Út Nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động nhân đạo như: vận động quà hỗ trợ cho những gia đình khó khăn, tích cực tham gia hỗ trợ chương trình “Khát vọng sống”, vận động vật tư để sửa chữa các tuyến lộ nông thôn…

Nói về cô Út Nữ, ông Nguyễn Hữu Ngộ, Phó Bí thư thường trực xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi địa phương có những người luôn hết lòng với công tác từ thiện như Cô Út Nữ. Những việc làm của cô đã góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cho hộ nghèo, hộ khó khăn để mọi người cùng có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”./.

Bài, ảnh: Thanh Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực