Thừa Thiên - Huế phát triển dịch vụ đô thị thông minh

Thứ tư, 15/08/2018 12:04
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa quyết định đầu tư 325 tỷ đồng thực hiện Đề án "Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025".

Theo đó, Đề án tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; quản lý đô thị tinh gọn; bảo vệ môi trường hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh; dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện. Tỉnh tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm; đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế tiếp cận với các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và trên thế giới trên các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. 

Trung tâm hành chính công tỉnh kết nối với các huyện, thị xã và
thành phố Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định 15 nhiệm vụ ưu tiên triển khai, đó là: Xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho đô thị thông minh; xây dựng hạ tầng nền tảng phát triển dịch vụ đô thị thông minh; phát triển hạ tầng xã hội phát triển dịch vụ đô thị thông minh; thực hiện việc chuyển đổi số; liên kết, liên thông các hệ thống thông tin; xây dựng mô hình trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; xây dựng hệ sinh thái y tế thông minh; xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; phát triển các dịch vụ giao thông thông minh; phát triển các dịch vụ môi trường thông minh; phát triển kinh tế số; xây dựng và triển khai thẻ điện tử công chức và thí điểm thẻ điện tử cá nhân, doanh nghiệp; xây dựng phương án thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động phát triển đô thị thông minh; phổ biến, hướng dẫn mọi người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ đô thị thông minh; đánh giá tổng kết mô hình thí điểm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh đến năm 2025. 

Để thực hiện các nội dung nêu trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề ra 5 nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền; thị trường và dịch vụ; tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực; công nghệ và tiêu chuẩn; tài chính. Trước mắt, tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về lợi ích trong việc tham gia và sử dụng các dịch vụ đô thị thông minh. Bên cạnh đó, tỉnh tuyên truyền nâng cao nhận thức đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào dịch vụ đô thị thông minh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, năng lượng xanh hướng đến xây dựng kiến trúc xanh. 

Tỉnh tập trung tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh; khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa dịch vụ đô thị thông minh cung cấp cho người dân và xã hội. Đồng thời tỉnh tăng cường phát triển thương mại điện tử của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường nghiên cứu và phát triển các dịch vụ đô thị thông minh từ nhiều nguồn lực khác nhau, nhất là từ nguồn ngân sách nhà nước; nâng cao năng lực thu hút đầu tư của các doanh nghiệp từ nguồn xã hội hóa... 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, việc phát triển dịch vụ đô thị thông minh ở địa phương dựa trên nền tảng chính quyền điện tử. Là một trong những địa phương tiên phong trong cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng một chính quyền phục vụ, một đô thị thông minh, trở thành đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh. 

Đến nay, Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cung cấp 1.349 thủ tục hành chính cấp độ 2; 530 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3; 404 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Một số cơ quan triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông... Ngoài ra, hình thức thanh toán trực tuyến cũng được đưa vào triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả tại Cổng thanh toán trực tuyến tỉnh. Đây là Cổng thanh toán trực tuyến đầu tiên trong cả nước kết nối với hệ thống thông tin của ngân hàng... 

Tỉnh Thừa Thiên- Huế đã thành lập, triển khai và đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công cấp tỉnh; trung tâm hành chính công các cấp với 9 huyện, thị xã và thành phố Huế. Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã hình thành theo mô hình liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Đến nay, Cổng đã cung cấp gần 400 thủ tục hành chính trực tuyến với gần 1.000 hồ sơ đăng ký và nhận kết quả trực tuyến. Số hồ sơ đăng ký trực tuyến ngày càng tăng, đặc biệt là thu hút sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của người dân. 

Cổng thông tin điện tử có nhiệm vụ cung cấp toàn diện mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành, quy hoạch. Đặc biệt, thông qua Cổng thông tin điện tử, các văn bản về chế độ, chính sách, pháp luật của tỉnh được cập nhật, lồng ghép với hoạt động tuyên truyền để kịp thời chuyển tải thông tin đến người dân. Với hệ thống này, người thành lập doanh nghiệp có thể chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh mà không cần đến trực tiếp. 

Thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, đơn vị trên địa bàn thực hiện hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; sử dụng hiệu quả hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh trên cơ sở tích hợp liên thông thống nhất thành một hệ thống đồng bộ. Bên cạnh đó, tỉnh nâng cấp và triển khai diện rộng hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh đến cấp xã và các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng, triển khai hiệu quả kiến trúc chính quyền điện tử trên cơ sở quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh đến năm 2020.../. 

Quốc Việt/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực