Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập

Thứ tư, 18/07/2018 17:07
(ĐCSVN) - Hoà với xu thế chung của thời đại, trong những năm qua, hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới đã không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ. Nhiều chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án liên quan đến bình đẳng giới được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Ngày 18/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Diễn đàn đa phương "Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập". 

Diễn đàn quy tụ sự tham gia của trên 300 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học, các địa phương, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, các nhà khoa học.  

Toàn cảnh diễn đàn đa phương "Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập". Ảnh: KT

Việt Nam trong nhóm các nước có tình trạng bình đẳng giới tốt nhất                                               

Phát biểu tại diễn đàn đa phương, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ ở Việt Nam mà là của tất cả các quốc gia trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội. 

Hoà với xu thế chung của thời đại, trong những năm qua, hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới đã không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ. Nhiều chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án liên quan đến bình đẳng giới được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Luật bình đẳng giới ra đời năm 2006 đánh dấu một giai đoạn mới thay đổi về chất trong thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Các chính sách khác về giảm nghèo, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm... đều chỉ rõ những ưu tiên các đối tượng thụ hưởng là nữ. 

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xoá bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. "Tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt trên 70%. Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và chủ cơ sở kinh doanh đạt 31,6%. Các chỉ số phát triển giới, chỉ số khoảng cách giới và chỉ số bất bình đẳng giới đều đạt ở mức trung bình cao. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2016, Việt Nam được xếp ở nhóm 1 trong 5 nhóm xếp hạng về bình đẳng giới - nhóm các quốc gia có tình trạng bình đẳng giới tốt nhất trên thế giới" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh. 

Cũng làm rõ những thành tựu  đáng ghi nhận trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, về tham chính, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khoá XIII đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới.                                 

Đặc biệt, về giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam đã đạt được những thành tựu như khoảng cách giới trong lĩnh vực này gần như được xoá bỏ khi không có sự chênh lệch giữa trẻ em trai và trẻ em gái, phụ nữ và nam giới tham gia hệ thống giáo dục và đào tạo. Thậm chí ở cấp THCS, THPT và đại học, tỷ lệ nữ giới nhập học còn cao hơn nam giới.                    

Cũng theo TS Đào Quang Vinh, lao động nữ ngày càng tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực việc làm, kể cả những lĩnh vực trước đây hầu như không có sự hiện diện của lao động nữ như: công nghệ thông tin, kỹ sư, thợ chuyên môn kĩ thuật.                           

Định kiến giới cản trở sự phát triển của cả nam và nữ                                                                            

Mặc dù đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên theo các đại biểu, Việt Nam cũng đối mặt nhiều thách thức về bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn so với nam giới; lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10%; lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân công... Có tới 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ được nêu trên có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp... Nữ chủ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng chính thức.

Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, bóc lột lao động, xâm hại tình dục. 

Theo các đại biểu, một trong những nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay được xác định là những định kiến về giá trị và cách suy nghĩ truyền thống của xã hội về cách ứng xử và vai trò của nam giới và phụ nữ. Những suy nghĩ, định kiến này đang cản trở những tiềm năng phát triển của cả nam giới và phụ nữ.      

TS Đào Quang Vinh nhấn mạnh Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác sẽ được hưởng lợi, cũng như chịu tác động từ cuộc cách mạng số trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.  

Theo ông, lao động nam và nữ chỉ có thể tận dụng được các cơ hội của kỷ nguyên số và hội nhập khi họ được trang bị vốn nhân lực tốt, được tiếp cận các cơ hội việc làm và kinh doanh bình đẳng, được hỗ trợ bởi các chính sách công bằng và hiệu quả.     

Để phát triển được việc làm cho cả lao động nam và nữ trong kỷ nguyên số và hội nhập, TS Đào Quang Vinh lưu ý, các doanh nghiệp cần trở lên nhanh nhẹn hơn để có thể nắm bắt các cơ hội và hình thức kinh doanh mới linh hoạt. Người lao động cũng cần phải có kỹ năng và khả năng thích ứng để giúp tạo môi trường làm việc linh hoạt hơn...

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, chương trình hành động, các biện pháp tuyên truyền giáo dục, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý sản xuất thì điều quan trọng hơn là tất cả mọi người, cả nam và nữ đều cần tự giác thay đổi quan niệm về phân biệt đối xử, nữ giới phải nâng cao trình độ, sự hiểu biết để vừa tự bảo vệ, vừa tích cực tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực