Tổ chức xã hội góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Thứ năm, 24/05/2018 18:48
(ĐCSVN) – Các tổ chức xã hội (TCXH - CSOs) đã được công nhận là các đối tác quan trọng - một trong ba trụ cột bên cạnh nhà nước và khối tư nhân để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo (Ảnh: P.V)

Tuy nhiên thực tế, các TCXH Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều thách thức để đạt được vai trò “đối tác”, đạt được sự cân bằng về quyền lực và có được sự ghi nhận từ các đối tác khác. Đây là con đường dài mà TCXH cần phải vượt qua để có được vai trò, vị trí của mình.

Đây là những phát biểu được chia sẻ tại Hội thảo “Đối tác tổ chức xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)”. Hội thảo diễn ra ngày 24/5 tại Hà Nội, do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (ViLEAP), thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Trong hành trình thực hiện các SDGs, vai trò của các TCXH vô cùng quan trọng. Như chia sẻ của bà Akiko, Phó Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc thì các TCXH có thể đóng rất nhiều vai trò khác nhau như: tham gia vào quá trình lập kế hoạch thực hiện các mục tiêu, cung cấp dịch vụ trực tiếp, huy động cộng đồng cùng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cung cấp các giám sát đánh giá việc thực hiện và ngân sách quốc gia. Đặc biệt, các TCXH đảm bảo quyền lợi cho các nhóm yếu thế, thông qua đó đảm bảo 1 trong 3 nguyên tắc quan trọng của SDGs là “Không ai bị bỏ lại phía sau".

Tại Việt Nam, các TCXH đóng góp đa dạng ở 17/17 mục tiêu, nổi bật ở Mục tiêu 1: Xóa nghèo, Mục tiêu 3: Sức khỏe tốt, Mục tiêu 4: Giáo dục chất lượng cao, Mục tiêu 5: Bình đẳng giới, Mục tiêu 8: Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững và Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD, MSD đã thực hiện chuỗi hội thảo liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững và tham vấn nghiên cứu vai trò của các TCXH đóng góp thực hiện SDGs trên cả 3 miền của đất nước. Các TCXH đã nỗ lực thực hiện các chương trình “giúp bà con thoát nghèo”; “nỗ lực để bảo vệ những rạn san hô, làm sạch môi trường nước, môi trường không khí”, “tạo việc làm cho thanh niên”, “hỗ trợ người khuyết tật"; “nỗ lực để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực”...

Khẳng định vai trò của TCXH trong mối quan hệ đối tác thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ông Nguyễn Toàn Thịnh, Đại diện Nhóm nghiên cứu “Vai trò và đóng góp của các TCXH thực hiện các SDGs” của MSD nhấn mạnh, TCXH là đối tác tham gia trực tiếp đưa các sáng kiến, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng các mô hình thực hiện hiệu quả; góp phần đảm bảo tính bền vững của các mục tiêu ở cấp cơ sở và cộng đồng; giám sát thực thi chính sách và phản hồi.

Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thanh Nga, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) cho biết, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 đã ghi nhận vai trò chính thức của các TCXH như các đối tác trong phát triển, các TCXH đã chủ động tham gia triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động trong phạm vi chức năng, hoạt động của mình và theo sự phân công trong Kế hoạch hành động. Trong tiến trình Việt Nam đang chuẩn bị báo cáo tự nguyện quốc gia của Việt Nam để báo cáo tại Hội nghị cấp cao tại New York sắp tới, MPI kêu gọi sự đóng góp ý kiến của tất cả các đối tác, đặc biệt là các TCXH. Thực tế, rất nhiều các câu chuyện của các TCXH đã được chia sẻ trong báo cáo của Việt Nam, đặc biệt trong nỗ lực “Không để ai bỏ lại phía sau".

Hoạt động trưng bày bên lề Hội thảo (Ảnh: P.V)

Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về các mô hình TCXH thực hiện rất hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững, phát huy đúng vai trò đối tác của mình khi kết hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước và khối tư nhân. Bên cạnh đó, các TCXH cũng chia sẻ các thách thức trong quá trình triển khai các chương trình/dự án thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, các thách thức chủ yếu đến từ nguồn quỹ và tài trợ; các hỗ trợ về chính sách liên quan; việc tiếp cận thông tin về các Mục tiêu phát triển bền vững từ các tổ chức đối tác Nhà nước hay trong việc phát triển mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp. Các khuyến nghị đưa ra chủ yếu liên quan đến việc mong muốn sự hỗ trợ thực chất về chính sách của nhà nước trong việc tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức xã hội chủ động kết nối và hỗ trợ tiến trình thực hiện SDGs cùng nhà nước và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hội thảo cũng tập trung thảo luận hướng đi sắp tới để các TCXH đóng góp thực hiện SDGs hiệu quả hơn. Các TCXH cũng nghiên cứu để tham gia tích cực hơn vào quá trình giám sát và đánh giá việc thực hiện SDGs, tham gia vào tiến trình báo cáo tự nguyện quốc gia của Việt Nam.

Hội thảo cũng có không gian trưng bày truyền cảm hứng về những mô hình, sáng kiến đối tác của các TCXH thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và giới thiệu một số các ngiên cứu liên quan của MSD như “Bộ Nguyên tắc Đối tác: Tổ chức Xã hội Việt Nam với các Đối tác phát triển” và “Báo cáo vai trò và đóng góp của các TCXH thực hiện các SDGs”.

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực