TP. Hồ Chí Minh bàn giải pháp nhà ở cho người thu nhập thấp

Thứ ba, 17/09/2019 22:37
(ĐCSVN)- Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư là những yêu cầu lớn đặt ra cho TP. Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: MP)

Ngày 17/9, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP giai đoạn 2021 -2035.

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; đại diện các sở, ngành, quận, huyện, chuyên gia, doanh nghiệp.

Cấp bách giải quyết bài toán nhà ở

Nói về nhu cầu nhà ở của TP. Hồ Chí Minh, đại diện Sở Xây dựng TP thông tin, dự báo nhu cầu nhà ở của TP giai đoạn 2016 - 2020 là 40.000.000m2 sàn; giai đoạn 2021 - 2025 là 45.000.000m2 sàn; giai đoạn 2026 - 2030 là 50.600.000 m2 sàn và giai đoạn 2031 - 2035 là 56.900.000m2 sàn.

Trong đó, định hướng phát triển nhà ở TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2035 phải đảm bảo phù hợp quy hoạch xây dựng TP theo hướng đô thị thông minh, khai thác tối đa hiệu quả của công nghệ thông tin, tiện ích của đô thị, nhà ở theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.

Đồng thời, gắn với phát triển đô thị TP trên quan điểm phát triển Vùng, kết nối các đô thị vệ tinh và đô thị hạt nhân. Phát triển nhà ở sinh thái với phong cách kiến trúc xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, phấn đấu tăng diện tích cây xanh, công viên trong khu dân cư mới, tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, có bản sắc. Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, tạo hình ảnh đa dạng, năng động và hiện đại cho TP. Đẩy mạnh phát triển loại hình nhà ở chung cư theo hướng tăng tỷ lệ nhà ở chung cư trong tổng số nhà ở mới phát triển hàng năm, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê và khuyến khích phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) phù hợp khả năng chi trả cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là NƠXH cho thuê. Chú trọng phát triển nhà ở dựa trên cơ sở chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị hiện hữu được lồng ghép vào các chương trình trọng điểm của TP.

Thành phố Hồ Chí Minh bàn giải pháp đáp ứng nhu cầu nhà ở  (Ảnh: CTV)

Sau khi nghe nội dung Sở xây dựng trình bày, Giáo sư Yap Kioe Sheng, Viện Công nghệ châu Á gợi mở, TP. Hồ Chí Minh cần có chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp đa dạng trên toàn TP.  Một chương trình nhà ở giá rẻ cần phải phân bổ diện tích đất tương đối nhỏ tại các địa điểm đa dạng, chiến lược, đồng thời thúc đẩy việc sở hữu nhà và nhà cho thuê, Giáo sư Yap Kioe Sheng chia sẻ.

Cũng theo Giáo sư Yap Kioe Shengg cần kêu gọi các khu vực tư nhân và phi lợi nhuận để phát triển, đổi mới nhà ở; điều chỉnh phương thức tài chính theo điều kiện của các hộ gia đình thu nhập thấp; nới lỏng quy định và tiêu chuẩn cho các khu vực diện tích nhỏ, thấp tầng; trao quyền kiểm soát cho người dân trong việc phát triển nhà ở tăng thêm.

“Mục tiêu không phải là xây dựng nhiều nhà có chất lượng, mà là đáp ứng nhu cầu nhà ở của mọi người. Không chỉ ưu tiên vị trí, nhà ở giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp còn cần phải đa dạng” - Giáo sư Yap Kioe Sheng đề xuất.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị TP. Hồ Chí Minh cần rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở triển khai các dự án phát triển nhà ở. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể khác tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 14/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển ổn định, lành mạnh. TP cần tăng cường chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển và quản lý NƠXH.

“Tập trung vào việc bố trí quỹ đất, huy động nguồn vốn để phát triển NƠXH cho công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người có thu nhập thấp; có giải pháp về phát triển, quản lý nhà ở, nhất là cơ chế, chính sách phát triển NƠXH phù hợp tình hình, điều kiện cụ thể của TP”- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng lưu ý, TP tiếp tục quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung TP đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất dành cho phát triển nhà ở; rà soát, bố trí và công bố quỹ đất cụ thể để phát triển từng loại nhà ở và đặc biệt là quỹ đất để xây dựng NƠXH; xem xét, thành lập tổ công tác liên ngành để khẩn trương hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BĐS trên địa bàn đang bị ách tắc, tạm dừng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở và pháp luật có liên quan. Tạo điều kiện cho người dân được vay vốn trung hạn và dài hạn để mua, thuê mua nhà ở và cho doanh nghiệp vay để phát triển NƠXH.

Tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có nhà ở

Đồng chí Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: MP)

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: TP có tốc độ gia tăng dân số nhanh, bình quân cứ mỗi năm TP gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng khoảng 1 triệu người dẫn đến những áp lực rất lớn trong công tác quản lý đô thị, đòi hỏi phải đặt ra các yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đặc biệt là vấn đề về nhà ở.

Theo thống kê mới nhất (vào đầu năm 2017), tổng số nhà ở của TP hơn 1.675.000 căn, trong đó nhà ở kiên cố hơn 629.000 căn (chiếm tỷ lệ 37,6%), nhà bán kiên cố hơn 1.000.000 căn (chiếm tỷ lệ 60,1%); nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ gần 38.500 căn (chiếm tỷ lệ 2,3%). Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho TP trong công tác phát triển nhà ở đó là bên cạnh việc phát triển nhà ở mới kiên cố, cần nâng cao cải thiện chất lượng nhà ở bán kiên cố thành nhà ở kiên cố thông qua việc chỉnh trang đô thị, đặc biệt là chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.

Tính đến tháng 6/2019, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP đạt 19,9 m2/người (đạt vượt chỉ tiêu đề ra là 19,8 m2/người), dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3 m2/người.

“Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo về vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn”- Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là NƠXH, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư là những yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị đặc biệt với mức độ đô thị hóa cao như TP. Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: MP)

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng: Phát triển nhà ở phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị, gắn liền với quy hoạch kinh tế - xã hội của TP, khu vực, vùng, miền. “Khi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, vùng, miền phát triển thì đó cũng là cách giảm áp lực di dân tự do vào TP. Phát triển thị trường  bất động sản (BĐS) là điểm quan tâm; bởi vì khi thị trường BĐS phát triển thì thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp cũng có điều kiện chia sẻ sự gánh vác để cùng phát triển, phát triển thêm NƠXH cho TP.”- Ông Võ Văn Hoan nói.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP sẽ nghiên cứu sâu hơn để quy hoạch những khu phát triển NƠXH, nhà ở cho người thu nhập thấp, tạo điều kiện kêu gọi đầu tư; nghiên cứu bổ sung thêm cơ chế chính sách hiện có, cũng như có thêm cơ chế chính sách mới để hỗ trợ cho người thu nhập thấp có nhà ở, hỗ trợ cho doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển các khu đô thị; hỗ trợ thủ tục về xây dựng nhà ở, nhất là NƠXH.

Ông Võ Văn Hoan thông tin thêm, hiện nay thủ tục đầu tư NƠXH giống như đầu tư nhà ở thương mại nên thời gian triển khai dự án chậm, rất khó nên phải nghiên cứu để có cơ chế, chính sách riêng, quy trình và cách làm riêng cho NƠXH./.

Quỳnh Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực